Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Đọc sách nhưng không sáng tạo thì không phải người giỏi

Chính trị 21/04/2024 - 11:14

Ngày sách và Văn hóa đọc 2024: Bàn về đọc sách, GS Đinh Xuân Dũng cho rằng đọc sách không chỉ để giải trí thông thường; còn GS Nguyễn Như Ý nói đọc sách phải sáng tạo mới là người thông minh.

Vai trò, lợi ích của đọc sách là vấn đề không phải bàn cãi. Trên thế giới cũng như nước ta, đã có biết bao chủ trương, chính sách, hoạt động khuyến khích đọc sách. Tiêu biểu chính là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Đọc sách là tốt, nhưng đọc sao cho hiệu quả, mang lại lợi ích thì không phải ai cũng biết cách.

Chủ đề này đã được các giáo sư, tiến sĩ, người yêu đọc sách thảo luận tại tọa đàm "Học, Đọc sách và sáng tạo". Chủ đề tọa đàm cũng là tên một cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông thực hiện. Tọa đàm là một trong nhiều sự kiện ý nghĩa hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024. Chương trình diễn ra hôm 20/4 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

Đọc sách nhưng không sáng tạo thì không phải người giỏi - ảnh 1

Các tác giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hiền Anh.

Đọc để kích thích tầm nhìn, làm giàu trí tuệ

Học, Đọc sách và Sáng tạo do nhóm tác giả gồm giáo sư Nguyễn Như Ý, tiến sĩ Trần Chí Đạt, tiến sĩ Võ Thế Quân và tiến sĩ Vũ Thùy Dương sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn.

Ấn phẩm Học, Đọc sách và Sáng tạo gồm những câu danh ngôn (hoặc có tính danh ngôn) của các nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà giáo dục các nước và Việt Nam, nói về việc dạy và học, việc đọc sách, việc sáng tạo của con người.

Tên cuốn sách Học, Đọc và sáng tạo với tên phụ "Hay tư tưởng về phát triển con người" đã khẳng định vai trò của đọc sách với phát triển con người.

Làm sáng tỏ hơn quan điểm đó, các diễn giả tại tọa đàm đã cùng thảo luận, đưa ra những nhận xét và luận giải riêng.

Giáo sư Đinh Xuân Dũng chia sẻ đọc sách không phải đọc lướt qua hay để giải trí thông thường mà để kích thích tầm nhìn, làm giàu trí tuệ. Khi đọc, độc giả phải đọc bằng tâm hồn, con tim của mình mới có thể thấu hiểu hết được ý nghĩa trong từng cuốn sách.

Đọc sách nhưng không sáng tạo thì không phải người giỏi - ảnh 2

GS Đinh Xuân Dũng tại chương trình. Ảnh: H.A.

Theo ông Đinh Xuân Dũng, cuốn sách Học, Đọc và sáng tạo không phải là những bài lý luận, phân tích chuyên sâu mà đây là chọn lọc những câu văn cô đọng như dạng tài liệu tham khảo có thể giúp ích cho người đọc trong việc học, việc đọc và sáng tạo.

“Cuốn sách tuy được lựa chọn từ những câu danh ngôn từ xa xưa nhưng lại rất phù hợp với cuộc sống hiện tại và bất cứ ai cũng có thể đọc”, ông Dũng nói. Ấn phẩm này hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên, nhà giáo dục và thậm chí là những nhà hoạch định chính sách... cũng có thể đọc để suy nghĩ, để định hướng cho tư duy, sáng tạo

Giáo sư Nguyễn Như Ý nói đọc sách nhưng không sáng tạo thì không phải là người giỏi, người thông minh. Ông hy vọng cuốn sách Học, Đọc sách và Sáng tạo sẽ được các nhà giáo dục hiện nay đón nhận, suy ngẫm cũng như truyền tải khéo léo đến cho các em học sinh.

Bên cạnh đó, ông mong các bạn trẻ sẽ tìm thấy những điều hữu ích từ cuốn sách, từ đó nuôi dưỡng cho mình tư duy mới để sáng tạo.

Đọc sách cần sự sáng tạo

Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Quốc Bảo nhận xét cuốn sách Học, Đọc sách và sáng tạo đã cung cấp những kiến văn để phát triển 4C, 4H và 3KH.

Trong đó 4C bao gồm: Năng lực phản biện, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo (counter-argument, communicate, cooperate, creative); 4H là Huấn đức của Bác Hồ cho một nhà trường trong thời kháng chiến: Học, hỏi, hiếu, hành; 3KH gồm: Khỏe, khôn và khiêm.

“Cuốn sách này sẽ góp phần truyền cảm hứng và thúc đẩy các nhà trường, các gia đình và mọi người ra sức tự học, ra sức giáo dục con em theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục”, ông Bảo nhấn mạnh.

Đọc sách nhưng không sáng tạo thì không phải người giỏi - ảnh 3

Tiến sĩ Trần Chí Đạt - Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông - chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: H.A.

Chia sẻ về quá trình làm sách, tiến sĩ Trần Chí Đạt - Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông - cho biết việc tra tìm tên gốc hay tên nguyên ngữ của tác giả, nhất là tên viết bằng các hệ chữ viết cổ, cũng như việc tìm kiếm chính xác tình trạng của các tác giả sống vào các thời kỳ trước Công nguyên, thời cổ đại là điều khó khăn nhất.

Với tiến sĩ Trần Chí Đạt, trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuốn sách như cẩm nang gợi mở nhiều suy ngẫm, định hướng về việc đọc, học và sáng tạo.

Độc giả Thạc Hằng (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết sau khi lắng nghe chia sẻ của các diễn giả về vai trò cũng như cách đọc sách đúng đã rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Hằng cho biết thông thường khi đọc sách bạn luôn cố gắng đọc thật nhanh, thật nhiều chứ chưa thực sự nghiền ngẫm từng câu chữ trong đó.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.