Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Chạy bộ vì ''nghiện'' cảm giác chinh phục

Phái đẹp 22/04/2024 - 18:23

Với nhiều vận động viên hay runner, chạy bộ không phải là để thi thố mà là niềm đam mê khó bỏ.

Chạy bộ vì ''nghiện'' cảm giác chinh phục - ảnh 1

Anh Tiến Đạt trong giải chạy mới nhất. Ảnh: UMC Run 2024.

Bước vào đường đua 21 km của một giải chạy, anh Đinh Tiến Đạt, 43 tuổi, háo hức chinh phục thử thách.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, cựu rapper không nhớ nổi đây là chặng đua half marathon thứ bao nhiêu, chỉ biết mỗi lần là một cảm xúc rất mới vì từng cung đường là khác nhau, thử thách cũng khác nhau.

Chạy vì đam mê

Nhớ lại những ngày đầu bén duyên với bộ môn chạy bộ hồi 2017, anh Đạt liều lĩnh lựa chọn tham dự giải marathon trail ở cự ly 100 km vì không đọc kỹ nội dung và thể lệ cuộc thi.

Cuộc đua này hoàn toàn không dành cho người mới bắt đầu hay những chân chạy phong trào bởi rất khắc nghiệt. Tuy nhiên, do không đặt nặng vấn đề thắng thua, anh Đạt không tập luyện.

Một tháng trước khi cuộc đua bắt đầu, anh Đạt được giới thiệu một quỹ từ thiện kết hợp chạy bộ. Trong giải chạy này, anh hoàn thành cự ly bao nhiêu, các em sinh viên sẽ nhận được số tiền tương ứng để chi trả học phí. Nếu không hoàn thành cự ly đăng ký, các em sẽ không nhận được số tiền này.

Vì mục đích nhân văn này, anh Đạt đồng ý ngay. Đường đua này buộc anh có trách nhiệm, không đơn thuần chỉ chạy cho vui.

Chạy bộ vì ''nghiện'' cảm giác chinh phục - ảnh 2

Anh Đạt thường xuyên tham gia các giải marathon trên khắp cả nước. Ảnh: NVCC.

Anh lên kế hoạch luyện tập trong giai đoạn nước rút, 4-5h mỗi ngày thức dậy luyện tập. Những ngày phải đi công tác tỉnh, di chuyển đến nơi đã rất khuya, anh vẫn mang giày chạy. Mỗi cuối tuần, anh Đạt bắt xe lên Đà Lạt để tập chạy dài, ròng rã suốt một tháng.

Đến ngày thi đấu, sau khi nghe lời khuyên từ đồng đội, anh quyết định xin ban tổ chức đăng ký lại mức 70 km. Anh chia nhỏ đường đua thành từng chặng ngắn với mục tiêu thời gian cố định và hoàn thành cung đường với thứ hạng cao.

Sau chặng đua này, anh Đạt “nghiện” chạy bộ lúc nào không hay. Anh tiếp tục chinh phục những giải marathon trên cả nước.

Trong 7 năm chạy bộ, có lúc Tiến Đạt chấn thương nặng, đứt dây chằng. Sau khi sức khoẻ ổn định, anh lại mang giày và chạy.

“Rất khó diễn tả cảm xúc mỗi khi được chạy, tôi thấy có động lực và hứng khởi mỗi khi hoàn thành một thử thách. Có lẽ tôi thích cảm giác chinh phục thử thách chứ không chạy vì thành tích”, anh Đạt cho hay.

Từ những ngày đầu tiên tập chạy, Nhật Hoàng (26 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chạy đường núi với độ dốc cao. Ở thời điểm đó, cả nước đang giãn cách vì dịch Covid-19, nhà lại nằm trên dốc núi nên Hoàng không chạy đường bằng, chỉ chạy đường núi.

Vì chưa có kiến thức, cộng thêm việc chạy đường núi nhiều, anh bị chấn thương mắt cá chân cả tháng trời.

"Lúc này, tôi mới bắt đầu tham gia các cộng đồng tập luyện, tìm hiểu kiến thức cơ bản và nhận ra mình đã đi ngược với người khác. Tôi chưa biết cách khởi động, xác định vận tốc, cự ly và mức độ bài tập phù hợp nên mới chấn thương như vậy", Hoàng nhớ lại.

Hiện nay, sau khi chạy 4 năm, Hoàng dành một giờ mỗi ngày để chạy bộ 10 km. Anh cho hay mình chưa từng tham gia bất kỳ giải chạy nào và cũng chưa có ý định tham gia. Với anh, "việc chạy bộ là thói quen, là đam mê chứ không phải để đem ra thi thố".

Rõ ràng, chạy bộ là môn thể thao tích cực và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi phong trào chạy bộ ngày càng nở rộ, việc xỏ giày chạy bộ theo trend cũng không ít.

Trao đổi với Tri thức - Znews, bác sĩ thể thao Phạm Minh Tiện, người hỗ trợ cho các giải chạy chuyên nghiệp, cho rằng hiện nay, phần lớn chấn thương đến từ việc quá tải vận động.

Số lượng người tham gia vận động tăng quá nhanh, người tham gia vận động số đông chưa được hiểu rõ về cơ thể mình. Hơn nữa họ cũng chưa biết cách bắt đầu tập luyện khoa học phù hợp, dẫn tới các chấn thương trong vận động không thể tránh khỏi.

Chỉ chạy khi hiểu rõ cơ thể

Để việc chạy đảm bảo an toàn, bác sĩ Phạm Minh Tiện khuyến cáo vận động viên, runner cần dành thời gian khởi động kỹ. Ngoài ra, các runner cần kiểm soát nhịp độ, tránh xuất phát quá nhanh theo đám đông, tập trung khi hơi thở và bổ sung đủ nước ở các trạm tiếp nước.

ThS.BS Nguyễn Thị Kim Vui, khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cũng đánh giá việc tập thể dục từ lâu đã đem lại nhiều lợi ích cho tim mạch và cơ thể. Tuy nhiên, vận động viên muốn tham gia cần khám và sàng lọc các bệnh lý tim mạch trước đó để tránh gặp các sự cố ngoài ý muốn.

Ở những vận động viên trên 35 tuổi, bệnh mạch vành do xơ vữa chiếm đa số. Còn những bất thường về cơ tim, dị dạng bẩm sinh động mạch vành, rối loạn nhịp tim thường xuất hiện ở vận động viên trẻ.

Theo TS.BS Đinh Huỳnh Linh, Viện tim mạch Quốc gia, cũng là một runner lâu năm, người chạy bộ nên đi khám sàng lọc nếu thuộc một trong 2 nhóm:

  • Trong gia đình có người bị bệnh tim mạch ở tuổi dưới 50, bao gồm cả các trường hợp đột tử không giải thích được nguyên nhân
  • Bản thân từng có tiền sử xỉu, ngất, đau tức hay nặng vùng ngực, chóng mặt, khó thở khi gắng sức thể lực

Những người có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành (ít vận động thể chất, có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, thuốc lào) cũng nên khám sàng lọc sức khoẻ tim mạch.

Để đáp ứng điều kiện tham gia các giải này, mọi người nên tập luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng,tìm hiểu các điều kiện của đường đua, như thời tiết, địa hình, sự bố trí các điểm tiếp nước… Tuyệt đối không thể chỉ mới tập chạy vài buổi mà tham gia ngay các giải thi đấu.

Trong lúc chạy, mọi người nên dừng lại nếu thấy quá mệt, tim đập quá nhanh hoặc kiệt sức tới mức ảnh hưởng nhận thức. Ngoài ra, nếu cảm thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường trước ngày thi đấu, mọi người nên tạm nghỉ ngơi.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.