Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Cái chết từ từ của người Campuchia dưới chế độ Pol Pot

Thế giới 26/09/2022 - 02:18

Seang Seng là thành viên duy nhất trong gia đình sống sót thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Những ký ức đau buồn vẫn còn ám ảnh ông đến tận bây giờ.

Cái chết từ từ của người Campuchia dưới chế độ Pol Pot - ảnh 1

Khi thủ lĩnh cuối cùng của chế độ diệt chủng Pol Pot lãnh phán quyết chung cuộc tại tòa án, Seang M Seng - người duy nhất trong gia đình thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” - đang kể về những cái chết từ từ của 23 thành viên trong gia đình ông.

Ông Seng vẫn nhớ những con đường vắng lặng mình đã đi qua hơn 40 năm trước, khi bị quân Pol Pot xua đuổi đến miền Tây Campuchia.

Đó là năm 1975, khi chế độ Pol Pot mới lên nắm quyền và buộc 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa ở thủ đô Phnom Penh.

Họ bị đưa đến các trang trại tập thể ở vùng nông thôn, để chế độ mới bắt đầu sứ mệnh tai hại và tàn bạo - biến Campuchia trở thành một xã hội nông nghiệp không tưởng.

24 thành viên trong gia đình ông Seng đã bị bắt đi vào năm 1975. Chỉ ông còn sống sót.

Mất mát không thể thay đổi

Sự ra đi của gia đình ông là kết quả của nạn thiếu ăn cùng cực và lao động khổ sai. Sự thiếu thốn đã cướp đi sinh mạng những người thân của ông và nhiều người khác tại một khu vực ở tỉnh Pursat.

“Mọi người có thể nghe nhiều về việc chế độ Khmer Đỏ đã tra tấn và giết người bằng cách dùng cuốc đập vào đầu, hoặc quăng lũ trẻ vào thân cây để không tốn đạn. Nhưng đối với tôi, phần lớn người dân trong những ngày đó đã chết vì đói”, ông nói.

Cái chết từ từ của người Campuchia dưới chế độ Pol Pot - ảnh 2

Bác sĩ Seang Seng bị lưu đày cùng gia đình vào năm 24 tuổi, dưới chế độ diệt chủng Pol Pot. Ảnh: Guardian.

Ông Seng đã chuyển đến Mỹ và trở thành một bác sĩ. Kể từ đó, ông viết về những nỗi kinh hoàng mà bản thân và những người khác phải đối mặt trong cuốn sách Starving Season: One Person’s Story.

Vào ngày 22/9, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Pol Pot (ECCC) đã tuyên bố y án diệt chủng và hình phạt chung thân với Khieu Samphan, thủ lĩnh cuối cùng còn sống của chế độ, khiến những ký ức về năm tháng kinh hoàng một lần nữa sống dậy trong ông.

Khi được hỏi phán quyết này có mang lại chút an ủi nào hay không, ông Seng trả lời: “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thế giới phải biết những gì đã xảy ra ở Campuchia trong những ngày đó. Tôi hoan nghênh những người đã làm việc chăm chỉ để đưa Khieu Samphan ra trước công lý. Tuy nhiên, với tôi, điều đó sẽ không thay đổi bất cứ điều gì”.

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ mất gia đình. Nhưng tôi đã mất họ”, ông nói.

Vào thời điểm đó, ông Seng, sinh viên y khoa 24 tuổi, phải làm ruộng cả ngày. Họ dùng cuốc để cày ruộng vì không có gia súc.

“Vào ngày đầu tiên, chỉ sau vài giờ, tay tôi bị phồng rộp”, ông kể lại.

Mỗi ngày, họ nhận được 2 hộp gạo nhỏ cho 10 người. Rất nhiều người đã ăn lá cây, chuột, côn trùng hoặc rắn để sống sót.

Cháu gái út của ông, vừa ra đời vài tháng trước đó ở Phnom Penh, là người đầu tiên trong gia đình qua đời sau khi mẹ cô bé hết sữa. Sau đó, một trong những người chú của ông cũng đã chết.

Sức khỏe của những người thân khác suy giảm nghiêm trọng. Chỉ qua vài tháng, họ dường như chỉ còn da bọc xương.

“Cuộc sống giống như một cục pin đang từ từ cạn kiệt. Khi hết pin, chúng tôi sẽ chết đột ngột", ông Seng nói.

Nỗi ám ảnh

Trong khu vực nơi ông Seng và gia đình bị lưu đày, có 5 ngôi làng với khoảng 30.000 người vào năm 1975. Tuy nhiên, “khi nạn đói nghiêm trọng xảy ra vào năm 1976, con số đã giảm xuống còn 3.000”, ông kể.

Ngoài sự đói khát, họ phải chịu thêm một loạt thiếu thốn khác. “Chúng tôi sống không có nước sạch hay nhà vệ sinh”, ông nhớ lại.

Các gia đình phải tự dựng lều khi đến nơi. Nếu được cử đi làm xa hơn nơi ở thường ngày, họ sẽ nghỉ trên một chiếc võng treo trên cây.

Đến cuối năm 1976, chỉ còn ông Seng và một người em gái sống sót.

Sau khi chịu đựng thêm vài tháng, ông Seng nhận ra rằng mình khó có thể sống được lâu nữa nếu cứ thế này. Ông làm giả một lá thư và mang đến bệnh viện gần đó, nói rằng ông được chuyển đến vì không còn khả năng làm việc.

Kiệt sức, ông nằm im, thậm chí không đủ sức lực để xua đuổi những con ruồi đậu trên mặt. Tuy nhiên, tâm trí của ông vẫn hoạt động.

“Chúng tôi nhận thức được mọi thứ xung quanh. Tôi nhớ đã tự hỏi bản thân: Chuyện gì đã xảy ra với tất cả nhà báo hay những người nước ngoài? Không ai nhìn thấy chúng tôi”, ông nhớ lại.

“Tôi chỉ ngồi đó, đờ đẫn nhìn vào khoảng không, biết rằng cuộc sống của tôi sẽ sớm kết thúc. Thật sự suy sụp", ông xúc động.

Cái chết từ từ của người Campuchia dưới chế độ Pol Pot - ảnh 3

Những người chị, em gái của ông Seng. Ảnh: Guardian.

Sau đó, ông Seng dần hồi phục sức lực và bắt đầu làm nhiều công việc khác nhau tại bệnh viện, đầu tiên là lấy gỗ cho nhân viên nhà bếp, sau đó giúp quân Khmer Đỏ vứt xác những người chết mỗi ngày trên cánh đồng gần đó.

Theo ông Seng, có những ngày 12 thi thể chồng chất trên một chiếc xe đẩy và ông phải thực hiện nhiều chuyến đi như vậy. Bệnh viện chỉ là nơi tiếp nhận những người hấp hối và trả lại những xác chết, ông nói.

Thông qua nhiều công việc khác nhau trong bệnh viện, ông Seng đã chứng minh cam kết với "cuộc cách mạng" của Khmer Đỏ và được phép đến gần nhà bếp hơn. Nhờ vậy, ông có thể lén lấy một ít gạo trong nồi từ nhà bếp.

“Ban đầu, tôi bị bỏng và phồng rộp khắp miệng vì cháo đang sôi, nhưng đáng kinh ngạc là sau một thời gian, sức chịu đựng của cơ thể tôi lớn hơn một chút”, ông kể lại.

Sau đó, lãnh đạo bệnh viện đã thương hại và cử ông đi làm thợ mộc - nhiệm vụ ít mệt mỏi hơn làm việc trên các cánh đồng. Em gái 14 tuổi của ông đã rời đi cùng một nhóm khác vì không muốn ở lại với quân Khmer Đỏ.

Sau khi thoát khỏi những năm tháng đó, điều ám ảnh ông Seng không phải những tổn thương thể xác, mà là chấn thương tinh thần vì mất cả gia đình.

“Đôi khi (tôi cảm thấy) tội lỗi vì là người duy nhất sống sót. Tôi luôn tự hỏi bản thân ‘đã làm đủ để giúp gia đình chưa’?”, ông chia sẻ, nhớ lại đứa cháu trai 4 tuổi bị tiêu chảy sau khi đi lấy nước vào một ngày nọ. Đứa trẻ chết ngay sau đó.

Với ông Seng, việc kể lại những gì đã qua và xuất bản trong cuốn hồi ký là một trải nghiệm đau đớn, nhưng cũng là một cách giải tỏa.

Nhiều độc giả, đặc biệt là những người trẻ ở Campuchia không thể lắng nghe câu chuyện từ cha mẹ họ, đã đón nhận cuốn sách.

Ông Seng cũng hy vọng rằng những gì ông làm sẽ mang lại một thông điệp: Ngay cả sau những bi kịch khủng khiếp nhất, chúng ta vẫn có thể làm lại cuộc đời.