Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Vì sao thảm họa chết chóc xảy ra dồn dập trên toàn cầu

Tuổi Teen 07/05/2024 - 12:10

Nắng nóng ở châu Á: Từ Đông Phi đến đông nam Australia, phần lớn hành tinh của chúng ta bị nhấn chìm trong nước lụt sau những trận mưa lớn bất thường ở những khu vực không ngờ tới.

Những vụ vỡ đập chết người ở Kenya và Brazil, đường cao tốc trượt xuống sườn núi ở miền Nam Trung Quốc, đường băng sân bay sa mạc bị nhấn chìm trong “biển” nước ở Dubai, các hố mỏ ngập lụt ở Australia - Phần lớn thế giới đang vật lộn với lũ lụt nghiêm trọng.

Thảm họa kết hợp

Lượng mưa kỷ lục và lũ lụt chết người xảy ra trên toàn cầu trong những tuần gần đây, gây ngạc nhiên ở nhiều mặt, cả về vị trí lẫn mức độ thiệt hại, theo Wall Street Journal.

Một phần do cơ sở hạ tầng vốn không được chuẩn bị để ứng phó với những trận lũ lụt như vậy, những trận mưa lớn bất thường đang gây chết người, tàn phá tài sản và sơ tán hàng loạt trên nhiều lục địa.

Những trận mưa lớn là hệ quả của các kiểu thời tiết tự nhiên bị tăng mức độ do một năm nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục.

Khi Trái Đất nóng lên, không khí cũng ẩm ướt hơn. Nói một cách đơn giản, không khí càng ấm thì càng có thể chứa được nhiều nước.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể kết luận liệu nắng nóng kéo dài kỷ lục trong cả năm qua và những trận mưa dữ dội đi kèm với nó có phải mang tính nhất thời hay cần phải điều chỉnh lại bức tranh toàn cảnh để phù hợp với một tương lai nền nhiệt cao hơn và ẩm ướt hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng quốc gia, tăng chi phí bảo hiểm và làm phức tạp thêm hoạt động sản xuất lương thực toàn cầu.

Vì sao thảm họa chết chóc xảy ra dồn dập trên toàn cầu - ảnh 1

Cây cầu bắc qua sông Taquari bị ngập ở bang Rio Grande do Sul của Brazil. Giới chức trách đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau thảm họa cướp đi sinh mạng hàng chục người thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích. Ảnh: Sao Paulo Civil Defence.

Theo các chuyên gia khí tượng học và nhà khoa học khí hậu, trong mỗi trận lũ lụt vào tháng 4 vừa qua, một loạt các điều kiện thời tiết khắc nghiệt đan xen với nhau gây ra các cơn bão.

Họ cho hay lượng mưa đổ xuống trong những cơn bão mùa xuân này rất bất thường. Ví dụ, các quốc gia Đông Phi đã hứng chịu lượng mưa 100-500 mm trong tháng 4, gấp tới 6 lần mức bình thường (tùy thuộc vào khu vực), theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí hậu của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia.

Cường độ của các trận mưa lớn bất thường này có thể gây thiệt hại nặng nề. Thủ đô Nairobi của Kenya ngập lụt gần 30 cm trong 7 ngày, khiến đập vỡ, chôn vùi các thị trấn trong bùn đất và biến đường phố thành những dòng sông chết chóc.

Lượng mưa lên tới 254 mm - tương đương lượng mưa thông thường của cả một năm - đổ xuống trong một ngày ở Dubai, nhấn chìm các đường băng sân bay quốc tế.

Vì sao thảm họa chết chóc xảy ra dồn dập trên toàn cầu - ảnh 2

Công nhân ở thành phố Thanh Viễn, miền Nam Trung Quốc, dọn dẹp bùn đất từ dòng sông nước dâng cao vào tháng tư. Ảnh: ZUMA PRESS.

Do sự nóng lên toàn cầu

Lượng mưa kỷ lục 432 mm trong một tháng đã gây ngập lụt tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, nơi một đoạn đường cao tốc bị sập ở khu vực miền núi hôm 29/4, khiến 48 người thiệt mạng. Tỉnh này là nơi sinh sống của 127 triệu người và tập trung nhiều công ty công nghệ và sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, chủ yếu nằm dọc theo bờ biển phía nam.

Brazil đã triển khai lực lượng vũ trang tới bang Rio Grande do Sul, phía nam nước này, sau khi lượng mưa 152 mm đổ xuống trong 24 giờ, gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong tuần qua khiến ít nhất 55 người thiệt mạng, 70 người mất tích và hơn 80.000 người khác phải di dời.

Mực nước dâng cao kỷ lục của một trong những con sông chính trong khu vực, đường sá và cầu cống bị phá hủy, làm gián đoạn vụ thu hoạch ở bang sản xuất đậu tương lớn thứ hai của Brazil. Khoảng nửa triệu người không được tiếp cận với nước sạch và 300.000 người không có điện sau khi một đập thủy điện nhỏ bị vỡ, tạo ra làn sóng nước bùn cao 2 m tràn qua các ngôi làng địa phương.

Các thảm họa liên quan đến mưa lớn bất thường là hệ quả của sự nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học ghi nhận 10 tháng liên tiếp nhiệt độ khí quyển trung bình toàn cầu phá kỷ lục và 12 tháng liên tiếp nhiệt độ đại dương trung bình toàn cầu cao kỷ lục.

Theo bà Sarah Kapnick, nhà khoa học trưởng của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia, mặc dù vẫn còn nghi vấn về việc liệu sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu có duy trì dài hạn hay không, nhưng điều chắc chắn là bầu không khí ấm hơn giữ nhiều hơi ẩm hơn và sau đó rơi xuống dưới dạng mưa, trong khi nhiệt độ đại dương cao hơn sẽ khiến nước bốc hơi nhiều hơn vào không khí..

“Những hiện tượng này đang xảy ra thường xuyên hơn ở quy mô cực lớn”, bà Kapnick nói. “Chúng đang xảy ra ở những nơi mà chúng ta không ngờ tới, như Dubai, vì vậy càng đáng ngạc nhiên hơn”.

Vì sao thảm họa chết chóc xảy ra dồn dập trên toàn cầu - ảnh 3

Mưa lũ lớn xảy ra ở nơi ít ai ngờ tới như thành phố sa mạc Dubai, khiến hậu quả có thể nặng nề hơn bởi những nơi chưa vậy ít có sự chuẩn bị hơn. Ảnh: Bloomberg.

Lũ lụt ở Đông Phi tháng trước xảy ra trong mùa mưa kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, mặc dù lượng mưa thực tế thay đổi trong một năm. Lần này, lượng mưa đã bị đẩy cao bởi một dạng thời tiết gọi là Lưỡng cực Ấn Độ Dương. Trong pha dương, lưỡng cực đẩy nước ấm vào bờ biển phía đông châu Phi; trong pha âm, dòng nước ấm chảy ngược về phía Australia và Indonesia.

Năm nay, lưỡng cực mạnh hơn bình thường, gây ra lượng mưa lớn ở các khu vực phía tây Ấn Độ Dương, chẳng hạn như Kenya, theo bà Joyce Kimutai, nhà khoa học khí hậu tại Imperial College London và là thành viên của World Weather Attribution - nhóm các nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu ở châu Âu và Mỹ.

Bà Kimutai cho hay nhiệt độ đại dương cao hơn cộng với hiệu ứng bay hơi của bầu không khí ấm hơn đã tạo tiền đề cho trận lụt chết chóc ở Kenya.

Ít nhất 50 người đã thiệt mạng vào sáng sớm 29/4 khi đập Old Kijabe tràn nước, gây lũ quét ở thị trấn Mai Mahiu, nằm bên dưới vách đá của Thung lũng Great Rift, cách Nairobi 32 km về phía bắc. Vụ vỡ đập đã nâng số người chết vì lũ lụt trên toàn quốc lên 210 người và 90 người khác mất tích. Công ty điện lực quốc gia xác nhận tình trạng mất điện rải rác khắp cả nước.

Trận lũ lụt khắp Bán đảo Ả Rập vào giữa tháng 4 khiến đường phố Dubai hóa thành sông là trận lũ nghiêm trọng nhất kể từ khi việc ghi chép bắt đầu cách đây 75 năm. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, cơn bão bắt đầu như một hệ thống áp suất thấp di chuyển chậm trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó mang theo hơi ẩm khi di chuyển qua Vịnh Ả Rập và Biển Đỏ.

Thông thường, các hệ thống áp suất thấp sẽ tồn tại trên khắp châu Âu vào thời điểm này trong năm, nhưng hệ thống này đã di chuyển về phía nam và cũng gây ra bão ở miền Bắc Pakistan và Afghanistan, gây mưa lớn và cướp đi sinh mạng của 50 người.

Trong ngày 14 và 15/4, Dubai đã ghi nhận lượng mưa hàng ngày cao nhất kể từ khi hoạt động theo dõi bắt đầu vào năm 1949. Các đường siêu xa lộ 12 làn của tiểu vương quốc sa mạc này ngổn ngang những chiếc ôtô bị bỏ lại; trường học và doanh nghiệp đóng cửa; và nhóm lao động chân tay và giúp việc gia đình bị mắc kẹt trong nhà. Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết sẽ phân bổ khoảng 540 triệu USD để giúp đỡ những công dân bị ảnh hưởng trong trận lụt. Chỉ có khoảng 10% dân số nước này có quốc tịch UAE.

Một phân tích về cơn bão Dubai do nhóm World Weather Attribution công bố cho thấy lượng mưa đổ xuống có thể bị ảnh hưởng bởi El Niño, một kiểu thời tiết ở Thái Bình Dương dẫn đến nhiệt độ đại dương ấm hơn ở Đông Thái Bình Dương và có thể ảnh hưởng đến hạn hán và lượng mưa trên toàn cầu.

Vì sao thảm họa chết chóc xảy ra dồn dập trên toàn cầu - ảnh 4 Vì sao thảm họa chết chóc xảy ra dồn dập trên toàn cầu - ảnh 5 Vì sao thảm họa chết chóc xảy ra dồn dập trên toàn cầu - ảnh 6

Lượng mưa kỷ lục đã phá hủy một đoạn đường cao tốc ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, khiến hàng chục người thiệt mạng. Ảnh: ZUMA PRESS, Tân Hoa Xã.

El Niño làm gia tăng thiệt hại

Theo Viện Khí tượng Quốc gia Brazil, El Niño hiện tại bắt đầu vào năm 2023 và đang dần suy yếu, mặc dù nó vẫn đang gây ảnh hưởng và một phần nguyên nhân gây ra những trận mưa chết người trong tuần qua ở miền Nam Brazil.

Trong lịch sử, bán đảo Ả Rập khô cằn ghi nhận nhiều đợt mưa lớn trong những năm có El Niño hơn những năm không có El Niño.

Vùng Sừng châu Phi đã trải qua nhiều năm hạn hán, trong khi lũ lụt ở Kenya khiến hơn 165.000 người phải di dời, bao gồm cả khách du lịch và nhân viên phải sơ tán bằng trực thăng và thuyền khỏi 19 trại đi săn bị ngập khi sông Talek tràn bờ ở Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara, theo chính quyền Kenya và Hội Chữ thập đỏ.

Chuyên gia Kimutai nhận định sự trở đi trở lại giữa những năm hạn hán, sau đó là những đợt mưa cực đoan và kéo dài khiến đất và thực vật khó hấp thụ nước mưa.

“Có rất nhiều sự thay đổi giữa các thái cực nên hệ sinh thái thực sự không có thời gian để phục hồi và trở lại trạng thái thích nghi tự nhiên vốn có”, vị chuyên gia phân tích. “Nó trở thành một hệ thống suy yếu theo thời gian”.

Theo ông Justin Mankin, phó giáo sư địa lý tại Đại học Dartmouth, thiệt hại do mưa có thể nghiêm trọng hơn ở các khu vực thành thị như Dubai, nơi nước không thể thấm vào lòng đất hoặc ở các vùng nông thôn nơi thảm thực vật bị thu hẹp vì nhu cầu thức ăn hoặc nhiên liệu.

“Mặt đất hấp thụ một lượng nước nhất định. Môi trường xây dựng định hình cách lượng mưa được truyền đi và gây nguy hiểm cho người dân dưới dạng lũ lụt. Và đó là trường hợp chung cho dù bạn đang nói về miền Đông Australia, Dubai hay miền Đông Trung Quốc”, chuyên gia Mankin cho hay.

Lượng mưa lớn cũng xảy ra ở Australia vào tháng 3, đánh dấu tháng 3 ẩm ướt thứ ba được ghi nhận ở nước này, với lượng mưa cao hơn khoảng 86% so với mức trung bình dài hạn, theo Cục Khí tượng nước này. Một cơn bão nhiệt đới đã xảy ra ở vùng phía bắc xa xôi của đất nước trong tháng đó, khiến chính quyền phải đóng cửa các con đường do lũ lụt và các công ty khai thác mỏ phải đình chỉ hoạt động.

Tại một mỏ mangan trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía bắc Australia, công ty khai thác mỏ South32 cho biết cơn bão đã làm ngập các mỏ khai thác và làm hư hỏng một cây cầu đường bộ cũng như cơ sở hạ tầng cầu cảng và bến cảng. Các thợ mỏ cho biết lượng mưa kỷ lục đã đổ xuống hòn đảo.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.