Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Đủ kiểu lớp online, phụ huynh học sinh chọn kỹ như chọn bạn đời

Chuyện lạ 13/04/2024 - 13:32

Các khóa học online ngày càng phổ biến và tăng theo cấp số nhân, phụ huynh, học sinh trở nên kỹ tĩnh hơn khi chọn lớp để đảm bảo chất lượng, tránh "ném tiền qua cửa sổ".

Đủ kiểu lớp online, phụ huynh học sinh chọn kỹ như chọn bạn đời - ảnh 1

Những tháng cuối của lớp 12, Minh Ngọc (học sinh ở Hà Nội) miệt mài “dán” mắt vào màn hình máy tính để theo dõi bài giảng của các giáo viên và gia sư.

Đặt mục tiêu thi đậu Đại học Sư phạm Hà Nội, nữ sinh tham gia đủ khóa học online của các giáo viên, từ giáo viên danh tiếng đến gia sư là sinh viên.

Dù lịch học dày đặc và đôi khi mỏi mắt vì nhìn máy tính quá nhiều, Ngọc vẫn quyết tâm học vì cảm thấy học online tiện hơn, lợi hơn và tiết kiệm hơn việc học thêm ở “lò luyện” trực tiếp.

Học đủ kiểu lớp online

Thông tin với Tri thức - Znews về việc đăng ký học thêm online, Minh Ngọc cho biết từ khi lên THPT, em đã học qua 2 kiểu lớp online, kiểu thứ nhất là học 1:1 với gia sư thông qua Google Meet, kiểu thứ hai là học qua video do giáo viên quay sẵn hoặc học qua livestream của giáo viên đó trên Facebook.

Nói về kiểu học online thông qua bài giảng quay sẵn, Minh Ngọc cho biết em đăng ký đồng thời hai lớp Tiếng Anh của hai cô giáo khá nổi tiếng.

Ban đầu, nữ sinh chỉ định chọn một khóa, nhưng quảng cáo của hai khóa học đều khẳng định khả năng “trúng tủ” rất cao nên em quyết định thử cả hai.

Trung bình một khóa học Tiếng Anh online mà Minh Ngọc đăng ký khoảng 5 triệu đồng, có thể học xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12. Hình thức học là học sinh sẽ đăng nhập tài khoản do trung tâm cung cấp để học qua video do giáo viên quay sẵn hoặc học qua livestream.

Đủ kiểu lớp online, phụ huynh học sinh chọn kỹ như chọn bạn đời - ảnh 2

Minh Ngọc học online qua video bài giảng và livestream của một giáo viên tiếng Anh nổi tiếng. Ảnh: NVCC.

Khi có bài tập hoặc thắc mắc liên quan nội dung học, học sinh sẽ được trợ giảng hoặc cộng tác viên hỗ trợ. Còn giáo viên - người tạo ra thương hiệu của khóa học - lại không trực tiếp chữa bài hay giải đáp thắc mắc của học sinh.

Với kiểu học 1:1 với gia sư thông qua Google Meet, Minh Ngọc chọn một bạn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội vì mục đích học của em là ôn tập cho kỳ thi đánh giá năng lực của trường này.

Với khóa học này, nữ sinh bắt đầu học từ 2 tháng trước, mỗi tuần 4 buổi (2 buổi Tiếng Anh, 2 buổi Ngữ văn) và mỗi buổi kéo dài trong 2 giờ, học phí là 180.000 đồng/buổi.

Không riêng học sinh THPT, nhiều phụ huynh có con ở bậc tiểu học, THCS cũng chuộng hình thức học không cần đến lớp này.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, chị Nguyễn Xuân (sống tại Hà Nội) cho biết chị bắt đầu cho 2 con học thêm trực tuyến khi dịch bệnh kéo dài. Đến hiện tại, khi Covid-19 đã đi qua, con chị vẫn duy trì hình thức học thêm online song song với học trực tiếp.

“Mỗi buổi học, thời gian khoảng 1,5-2 giờ. Con hào hứng, tiếp thu tốt, vì vậy, tôi duy trì đến tận bây giờ, thậm chí còn giới thiệu nhiều phụ huynh tham gia cùng vì chất lượng không thua kém gì học trực tiếp. Hiện tại, còn một số môn phải học trực tiếp vào cuối tuần, tôi dự định cũng chuyển qua hình thức học trực tuyến nếu tìm được lớp học phù hợp, giáo viên chất lượng", chị Xuân chia sẻ.

Học online thì phải kỷ luật

Chia sẻ về những điểm lợi khi học online, chị Xuân cho biết 2 vợ chồng chị đi làm cách nhà gần 20 km, không tiện việc đưa đón trong tuần nếu con học trực tiếp. Nữ phụ huynh cũng nhận định hiện nay, rất nhiều khóa học online có chất lượng tốt với phương pháp học mới mẻ, học phí lại thấp hơn nhiều, chỉ bằng một nửa so với học trực tiếp.

Bên cạnh đó, nếu học online, chị sẽ đồng hành, sát sao việc học của con nhiều hơn, có thể biết con đang học gì, quá trình học như thế nào, nắm được lực học của con do giáo viên trao đổi thường xuyên.

Đủ kiểu lớp online, phụ huynh học sinh chọn kỹ như chọn bạn đời - ảnh 3

Con trai chị Xuân thích học online vì không áp lực do gặp giáo viên trực tiếp. Ảnh: NVCC.

“Ngày trước, tôi vẫn nghĩ học trực tiếp, giáo viên chỉ tận tay là tốt nhất. Tuy nhiên, với con nhà tôi, khi đi học trực tiếp, thầy cô giỏi thì lớp đông, không thể sát sao từng học trò, con khó theo kịp các bạn. Vì vậy, tôi chọn cho con học online để tiện quan sát con hơn”, chị Xuân cho hay.

Nữ phụ huynh cũng đánh giá sau 3 năm học thêm online, kết quả học tập của con rất tốt, tinh thần con thoải mái, không áp lực do không phải gặp trực tiếp giáo viên.

Chị cũng kể ban đầu, khi chưa quen, con có phần rụt rè. Nhưng dần dà, con tự tin hơn trong việc giơ tay phát biểu và trao đổi với bạn bè.

“Có thể ngồi sau màn hình, con không còn ngại ngùng hay sợ bạn bè cười chê khi trả lời sai, vì vậy, con mạnh dạn phát biểu. Không gặp trực tiếp học trò, thầy cô cũng sáng tạo nhiều phương pháp để bài giảng cuốn hút, con cũng hào hứng với việc học hơn", chị Xuân nói.

Tương tự, Minh Ngọc cũng cho biết em chọn hình thức học này để tiết kiệm thời gian đi lại. Trước đây, khi học trực tiếp, nữ sinh sẽ phải đi từ nhà ở quận Long Biên lên các quận trung tâm, đi đường xa cũng khiến em mất năng lượng và dễ nản khi học.

Một điều nữa mà Ngọc chuộng học online chính là tính linh hoạt và chủ động vì em có thể học mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ như khi đi cà phê với bạn bè, nữ sinh có thể tranh thủ mở bài giảng của giáo viên để nghe rồi tập giải đề.

Nhờ tính tiện lợi của những khóa học online, thành tích học của Ngọc cải thiện đáng kể. Khi gặp nội dung chưa hiểu, nữ sinh cũng có thể hỏi giáo viên ngay lập tức chứ không bị giới hạn thời gian như khi học ở trường hoặc lớp học thêm trực tiếp.

“Học online rẻ hơn hẳn so với học trực tiếp ở các lớp học thêm, lại đỡ phải đi xa. Nhưng cách học này cũng có mặt trái là rất dễ làm học sinh lười, ai không kỷ luật là học sẽ không hiệu quả được”, Ngọc cho biết.

Chị Xuân cũng nhận định với việc học trực tuyến, kỷ luật, tự giác học tập là yếu tố quan trọng.

Với những học sinh nhỏ tuổi, phụ huynh càng phải sát sao con hơn bởi các con chưa có thói quen chủ động trong học tập, dễ mất tập trung hoặc bị thu hút bởi trò chơi điện tử...

Cân nhắc nhiều yếu tố khi chọn lựa

Khi được hỏi về những tiêu chuẩn chọn lớp học thêm online, Minh Ngọc nói rằng em luôn ưu tiên theo thứ tự là trình độ giáo viên, chất lượng bài giảng, danh tiếng khóa học, quy mô lớp học.

Còn về vấn đề học phí, Ngọc nói điều này còn phụ thuộc vào từng người, ví dụ có người thích chọn khóa học rẻ cho tiết kiệm, nhưng cũng có người sẵn sàng mua khóa học đắt đỏ vì tin rằng “đắt xắt ra miếng”.

Dù vậy, nữ sinh vẫn khuyên các học sinh cần đặt tiêu chuẩn về trình độ giáo viên và chất lượng bài giảng lên các yếu tố khác để đảm bảo việc học của bản thân thực sự hiệu quả.

Để chọn được gia sư ưng ý cho việc học online, Ngọc đã tham gia nhóm sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi chọn được khoảng 10 người, nữ sinh tiếp tục gửi hồ sơ của các gia sư để mẹ chọn.

“Mẹ em xem hồ sơ của chị gia sư hiện tại là ‘chốt’ liền luôn. Em thấy may vì chọn được người dạy có tâm nên sau 2 tháng học, em thấy mình tiến bộ rất nhiều”, Minh Ngọc chia sẻ.

Trong khi đó, chị Xuân lưu ý phụ huynh nên đặt yếu tố phù hợp với con lên hàng đầu khi chọn lớp học online.

Cá nhân chị không yêu cầu giáo viên phải nổi tiếng, bằng cấp cao hay được quảng cáo nhiều bởi việc học của con không hoàn toàn phụ thuộc vào thầy cô. Con học tốt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (sự quan tâm của gia đình, năng lực của trẻ…)

Đối với chị, giáo viên có phương pháp tốt, có uy tín, con học phù hợp, tiếp thu được là đạt yêu cầu. Ngoài ra, chị Xuân khuyên phụ huynh đăng ký học thử để con trải nghiệm trước khi quyết định học lâu dài.

“Phụ huynh cũng nên cân nhắc kĩ cả về năng lực, sức khỏe và thời gian của trẻ để đảm bảo việc học thêm online là cần thiết, có tác dụng”, chị Xuân nhấn mạnh.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.