Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Giới trẻ ngủ trưa, trốn nắng gắt ở cà phê giường giữa trung tâm TP.HCM

Kinh tế 25/04/2024 - 12:52

Để có một không gian ngủ trưa mát mẻ, thoải mái và đủ tiện nghi, nhiều bạn trẻ chấp nhận chi 50.000-80.000 đồng/lần cho những quán cà phê giường ở TP.HCM.

Giới trẻ ngủ trưa, trốn nắng gắt ở cà phê giường giữa trung tâm TP.HCM - ảnh 1

10h30, Minh Thư (23 tuổi, sinh viên) xách ba lô đi nhanh xuống bãi xe. Cô cần một giấc ngủ trưa trước khi bắt đầu học tiếp vào 13h30. Trước đó 30 phút, cô đã gọi cho một quán cà phê giường (bed coffee) trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM) để đặt chỗ.

Trong khi đó, Ngọc Hân (26 tuổi, chuyên viên tổ chức sự kiện) và đồng nghiệp kéo nhau đến một quán cà phê giường trên đường Võ Oanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để tranh thủ thời gian nghỉ trưa kéo dài 2 tiếng của công ty.

Những bạn trẻ có nhu cầu sử dụng mô hình cà phê giường để ngủ trưa đều chấp nhận bỏ ra số tiền 50.000-160.000 đồng/lần để có một giấc ngủ chất lượng.

Cà phê giường là mô hình kinh doanh đồ uống xuất phát từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Những quán cà phê này không chỉ phục vụ nước uống, mà còn cho phép khách hàng thuê chỗ nghỉ ngơi trong các buồng riêng, có sắp xếp giường nằm. Vài năm gần đây, mô hình này khá phổ biến ở TP.HCM và Hà Nội với tệp khách hàng chính là học sinh - sinh viên và nhân viên văn phòng.

160.000 đồng cho một lần ngủ trưa

Khoảng 11h, Minh Thư đã đến quán cà phê Chidori (chi nhánh Đinh Tiên Hoàng). Đây là quán cà phê giường mà cô thường ghé để ngủ trưa trong những ngày học hai buổi. Mỗi lần như vậy, Minh Thư chấp nhận chi 160.000 đồng cho 2 giờ nghỉ trưa cùng với 2 món bánh/nước tự chọn.

Giới trẻ ngủ trưa, trốn nắng gắt ở cà phê giường giữa trung tâm TP.HCM - ảnh 2

Minh Thư cho biết bản thân sẽ thuê buồng riêng, dù đi với bạn hay không, để có giấc ngủ thoải mái, riêng tư. Ảnh: NVCC.

“Những ngày học cả sáng lẫn chiều thì mình sẽ đi cà phê giường để ngủ trưa. Trung bình mình bỏ ra khoảng 300.000 đồng/tuần cho dịch vụ này. Dù có bạn đi cùng hay không thì mình vẫn thuê một buồng riêng để ngủ, vừa riêng tư vừa thoải mái”, Minh Thư chia sẻ với Tri thức - Znews.

Theo Minh Thư, nếu không đi cà phê giường, cô sẽ phải ngủ luôn trong lớp hoặc ở sảnh của trường học. “Như vậy thì không thoải mái mà đôi khi còn bị người khác làm phiền”, cô kể.

Một trong những lý do khiến Minh Thư chọn cà phê giường để “thư giãn buổi trưa” là thời tiết TP.HCM ngày càng nóng. Cô tâm sự bản thân “không thể chịu được cái nắng 39 độ giữa trưa và cũng không muốn vật vờ ở trường học”.

Tại một chi nhánh khác của Chidori, khách cũng ra vào tấp nập trong thời gian 11-14h hàng ngày. Theo đại diện cửa hàng, khách đến đây chủ yếu là sinh viên và nhân viên văn phòng. “Khách đến quán thường đi theo nhóm để thuê buồng ngủ. Vào khung giờ cao điểm, những chi nhánh ở địa điểm sầm uất thường kín giường vì khách đến nghỉ trưa khá đông”.

Giới trẻ ngủ trưa, trốn nắng gắt ở cà phê giường giữa trung tâm TP.HCM - ảnh 3

Theo đại diện Chidori, khách đến quán ngủ trưa chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng. Ảnh: Chidori.

Là khách quen của thương hiệu cà phê giường này, Ngọc Hân chia sẻ bản thân và đồng nghiệp đến quán “như một thói quen”. Trung bình, cô sẽ chi khoảng 400.000 đồng/tuần để có những giấc ngủ trưa chất lượng.

“Hầu như ngày nào mình cũng phải làm hai buổi nên mình đến quán như một thói quen thôi. Mức giá 80.000 đồng/lần cũng vừa túi tiền. Ví dụ hôm nay đi ngủ trưa thì chiều nhịn một ly trà sữa, thế thôi”, Ngọc Hân chia sẻ.

Cỡ nào cũng phải ngủ trưa

Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, 12h, Hơi Béo Cà Phê vẫn tấp nập khách hàng. Theo chị La Yến, chủ quán, khách đến quán chủ yếu để ngủ trưa. Khách hàng chính của quán là học sinh - sinh viên và nhân viên văn phòng.

Trung bình, mỗi lần đến quán, khách chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng 50.000 đồng cho một ly nước. Nếu có nhu cầu, khách có thể trả thêm tiền để sử dụng giường, nệm.

Theo ghi nhận, quán có hai khu vực để khách nghỉ trưa. Một là khu vực học tập với bàn, vách ngăn, ổ điện, đèn học để phục vụ khách đến làm việc mà vẫn muốn có không gian riêng. Hai là khu vực giường với đầy đủ nệm, gối để khách ngủ trưa thoải mái hơn. Đối với khu vực thứ hai, khách sẽ trả tiền theo số giờ sử dụng.

Giới trẻ ngủ trưa, trốn nắng gắt ở cà phê giường giữa trung tâm TP.HCM - ảnh 4

Theo chủ quán, Hơi Béo Cà Phê thường đông khách sau 12h, khách đến quán chủ yếu để nghỉ trưa. Ảnh: Huệ Lâm.

Chị Yến cho biết việc kinh doanh của quán hiện tại khá ổn định nhờ nhu cầu nghỉ trưa của khách hàng và “trời TP.HCM lúc nào cũng nóng”. "Trước đây, tôi thường thấy nhiều người tìm đến các quán cà phê để vừa ngả lưng, vừa làm việc vào buổi trưa. Đó là lý do tôi quyết định kinh doanh cà phê theo mô hình này", chị Yến chia sẻ.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Thanh Trúc (22 tuổi) cho biết đây là lần đầu cô trải nghiệm mô hình cà phê giường ở TP.HCM. “Mình là có thói quen cỡ nào cũng phải ngủ trưa, nếu không ngủ là chiều không có sức làm gì cả. Do đó, khi nghe bạn giới thiệu mô hình cà phê giường là mình đến trải nghiệm ngay”.

“Mặc dù là lần đầu nhưng mình nghĩ sẽ có lần thứ hai, thứ ba vì mình khá hài lòng với trải nghiệm hôm nay. Không gian quán mát mẻ, yên tĩnh nên mình và các bạn cũng ‘nạp’ được khá nhiều năng lượng cho giờ học buổi chiều”, Thanh Trúc nhận xét.

Giới trẻ ngủ trưa, trốn nắng gắt ở cà phê giường giữa trung tâm TP.HCM - ảnh 5

Mô hình cà phê giường vốn đã nổi tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc khi cung cấp chỗ nghỉ trưa thoải mái, riêng tư cho khách hàng. Ảnh: Chidori.

Tại Nhật Bản, mô hình cà phê ngủ trưa (coffee nap) cũng khá phổ biến trong giới nhân viên văn phòng. Khi mua gói dịch vụ, khách hàng sẽ được cung cấp đồ uống và thời gian khoảng 1-3 giờ để ngủ trưa.

Còn ở Hàn Quốc, mô hình cà phê phòng hay cà phê giường (bed coffee, room coffee) có nhiều dạng và mức giá khác nhau. Một số quán chuyên phục vụ giấc ngủ trưa của dân văn phòng, trong khi những nơi khác nằm gần các trường đại học, có khách hàng chủ yếu là sinh viên, cặp đôi trẻ.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.