Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Thủ tướng: Giá điện phải có cạnh tranh và điều tiết của Nhà nước

Kinh tế 20/04/2024 - 18:52

Nắng nóng ở châu Á: Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành giá điện có lộ trình phù hợp, không "giật cục", có cạnh tranh lành mạnh và điều tiết của Nhà nước.

Thủ tướng: Giá điện phải có cạnh tranh và điều tiết của Nhà nước - ảnh 1

Thủ tướng yêu cầu điều hành giá điện phải phù hợp, có cạnh tranh lành mạnh và điều tiết của Nhà nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp bảo đảm cung ứng điện 2024 và thời gian tới, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng.

Thủ tướng nêu rõ sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi, thời tiết đang chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.

Nhắc lại tình trạng thiếu điện cục bộ trong năm 2023, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh trong năm nay phải tập trung cho công tác điều hành và củng cố năng lực truyền tải điện; tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trước 30/6

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần điều hành phù hợp, thông minh, thông suốt, hiệu quả với giải pháp tổng thể, đa dạng hóa nguồn điện, khẩn trương hoàn thành các đường dây tải điện, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan.

"Với mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải xây dựng các phương án ứng phó với mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất", Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, phát huy trách nhiệm cao nhất, dự báo, đánh giá sát tình hình và khả năng đáp ứng, rà soát lại các số liệu bảo đảm chính xác; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hợp lý, kịp thời, hiệu quả. Không để người dân, doanh nghiệp phải lo lắng về điện.

"Về nguồn điện, cần tính toán bảo đảm nguồn điện cho tất cả các vùng miền, lưu ý các tháng cao điểm ở miền Bắc (tháng 5-7, đặc biệt dự kiến phụ tải tăng lên tháng 6 khoảng 2.500 MW). Đa dạng hóa các nguồn điện, rà soát lại tất cả các nguồn có thể huy động, thúc đẩy các nguồn điện lớn", lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo.

Về cơ chế, chính sách mua bán điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn.

Thủ tướng: Giá điện phải có cạnh tranh và điều tiết của Nhà nước - ảnh 2

Thủ tướng yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào. Ảnh: Việt Linh.

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách với điện rác, điện sinh khối...

Về truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu trước mắt hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3, dứt khoát hoàn thành trước ngày 30/6. Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào trong tháng 5 như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum - Nông Cống...

Về giá điện, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định, thẩm quyền, với lộ trình phù hợp, không "giật cục". Bên cạnh đó, ngành điện cần đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

"Giá điện phải phù hợp, có cạnh tranh lành mạnh và điều tiết của Nhà nước", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp cung ứng điện cho miền Bắc

Năm nay, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5-7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng hơn 9%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, nhất là nhiệt điện than đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải; đồng thời tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc.

Bộ Công Thương khẳng định việc cung ứng điện cho năm 2024 về cơ bản sẽ được bảo đảm. Những năm tới, sau khi đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được đi vào vận hành với đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền Trung và miền Nam.

"Tuy nhiên, với tỷ trọng nguồn thủy điện chiếm hơn 32%, cung - cầu nội miền của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố các tổ máy nhiệt điện than. Do đó, việc bổ sung sớm nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là rất cần thiết...", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Thủ tướng: Giá điện phải có cạnh tranh và điều tiết của Nhà nước - ảnh 3

Sẽ cung cấp LNG cho hệ thống điện khoảng 500 triệu kWh trong mùa khô tháng 4 và 5. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực dầu, khí, than cũng cam kết bảo đảm cung ứng đủ nhiên liệu cho sản xuất điện. Đơn cử, Tập đoàn Than - Khoáng sản dự kiến kế hoạch năm 2024 cung cấp than cho sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn, tăng khoảng hơn 1,7 triệu tấn so với biểu đồ của Bộ Công Thương.

Tập đoàn Dầu khí và PVGas cũng đã chủ động tìm kiếm nguồn cung cấp LNG và thống nhất với EVN để cung cấp LNG cho hệ thống điện khoảng 500 triệu kWh, tương đương với 100 triệu m3 khí LNG trong giai đoạn cao điểm mùa khô vào tháng 4-5.

Theo EVN, trong quý I, đã huy động tối đa nguồn nhiệt điện than, khí (vượt kế hoạch 1,98 tỷ kWh), còn các thủy điện được huy động theo tình hình nước về để giữ nước cho các tháng cao điểm mùa khô.

"Sản lượng điện tương ứng lượng nước tích trong các hồ đến cuối quý I là 11,3 tỷ kWh, cao hơn 1,5 tỷ kWh so với kế hoạch. Các hồ thủy điện lớn tại miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu vẫn duy trì mức nước cao", đại diện EVN cho hay.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.