Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Thí sinh Việt ''bật ngửa'' khi đại học Trung Quốc yêu cầu thi đầu vào

Thế giới 09/05/2024 - 12:48

Nhiều đại học Trung Quốc yêu cầu du học sinh phải tham gia kỳ thi đầu vào do Bộ Giáo dục tổ chức thay vì chỉ xét hồ sơ như trước, khiến không ít thí sinh rơi vào cảnh bị động.

Thí sinh Việt ''bật ngửa'' khi đại học Trung Quốc yêu cầu thi đầu vào - ảnh 1

Nhiều học sinh dự định du học Trung Quốc bối rối trước thông tin phải thi đầu vào đại học. Ảnh: Pexels.

Hơn một tuần nay, Thủy Trúc (22 tuổi) lao vào ôn thi đại học Trung Quốc.

Trước đó, ngày 29/4, Trúc bất ngờ nhận được thông báo từ Đại học Đông Hoa (Trung Quốc) - trường mà em nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng du học - yêu cầu phải thi đầu vào, thay vì chỉ xét điểm GPA và chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Trung HSK như trước đây.

"Từ lúc nhận tin đến ngày thi, em chỉ có khoảng 25 ngày để chuẩn bị. Trong khi đó, em thậm chí không có đề cương hay đề minh họa để định hướng ôn tập", Trúc chia sẻ.

Nhiều đại học yêu cầu du học sinh thi đầu vào

Trao đổi với Tri thức - Znews, ThS Nguyễn Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH Du học Hoa Ngữ (Hà Nội), cho hay năm 2024 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức thi đầu vào quy mô toàn quốc dành cho sinh viên quốc tế thay vì chỉ xét hồ sơ như trước.

Nội dung này thuộc văn bản của Ủy ban Quản lý ngân sách du học quốc gia, Bộ Giáo dục Trung Quốc, gửi đến các trường. Kỳ thi áp dụng với những thí sinh nộp đơn xin học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) hoặc nộp đơn xin học tại 142 trường thuộc dự án Song nhất lưu (các trường chất lượng cao), và chỉ áp dụng với bậc cử nhân.

Bốn môn thi gồm môn tiếng Trung chuyên ngành (Khoa học xã hội, Kinh tế - Thương mại, Khoa học - Kỹ thuật và Y học), Toán và Vật lý/Hóa học. Tùy vào chuyên ngành ứng tuyển và chương trình đào tạo, mỗi thí sinh sẽ được chia vào phân ban (Khoa học xã hội, Thương mại - Quản lý, Khoa học kỹ thuật, Y học) với số môn thi tương ứng.

Kỳ thi được tổ chức cả trực tuyến và trực tiếp. Những thí sinh ở nước ngoài sẽ thi trực tuyến tại nhà, vào một trong hai đợt là 25-26/5 và 1-2/6. Thí sinh tại Trung Quốc thi tại trường vào hai đợt 15-16/6 và 22-23/6.

Thí sinh Việt ''bật ngửa'' khi đại học Trung Quốc yêu cầu thi đầu vào - ảnh 2

Kỳ thi này hiện áp dụng cho 142 trường thuộc diện đào tạo của dự án Song Nhất Lưu. Ảnh: Peking University.

Hiện tại, một số trường đã thông tin chính thức tới ứng viên cũng như có email thông báo lịch thi.

Theo ThS Việt, kỳ thi nhằm mục đích nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên quốc tế. Trước đây, việc xét học bổng thường dựa vào 2 yếu tố chính là điểm GPA bậc THPT, chứng chỉ tiếng Trung HSK và phỏng vấn.

Tuy nhiên, những yếu tố này có thể chưa đánh giá đúng hoàn toàn năng lực của ứng viên khi điểm GPA lạm phát, trong khi khả năng tiếng Trung cũng không đánh giá được năng lực chuyên ngành của học sinh.

“Kỳ thi này sẽ giúp các trường có thể tìm kiếm được những ứng viên thực sự phù hợp và xứng đáng. Thí sinh cũng hưởng lợi là nhận được sự công bằng, đồng thời thể hiện được hết năng lực của mình”, ThS Việt đánh giá.

Cuống cuồng ôn tập, chỉ làm được gần nửa đề thi

Thông tin các trường đại học yêu cầu thí sinh vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực gây sốc cho không ít du học sinh Việt. ThS Việt cho hay đa số ứng viên tại đơn vị đều bày tỏ sự hoảng loạn, mất định hướng vì nhiều bạn chưa chuẩn bị gì cho kỳ thi này.

Ứng tuyển vào ngành Kinh tế Quốc tế của 3 trường, Thủy Trúc cho biết em phải thi môn Toán và Tiếng Trung thương mại. Chỉ có chưa đầy một tháng để ôn tập, nữ sinh khá bị động.

Trúc dành tới 2/3 thời gian trong ngày để ôn tập. Không có đề cương hay đề minh họa, Trúc đành xem qua đề thi đầu vào của một số trường từng tổ chức và mua giáo trình môn Toán (bằng tiếng Trung) và Tiếng Trung thương mại để học.

Thí sinh Việt ''bật ngửa'' khi đại học Trung Quốc yêu cầu thi đầu vào - ảnh 3

Thủy Trúc lao vào ôn thi bởi thời gian không còn nhiều. Ảnh: NVCC.

"Em tốt nghiệp THPT đã 2 năm và không học Toán trong suốt khoảng thời gian đó do phải học tiếng và chuẩn bị hồ sơ. Hiện tại phải ôn Toán bằng tiếng Trung, em gặp khó và tốn thời gian hơn nhiều. Bên cạnh đó, tiếng Trung chuyên ngành cũng là trở ngại khi em phải đọc và học nhiều hơn", Trúc chia sẻ.

Nữ sinh cho hay không ít lần em cảm thấy khủng hoảng vì khối lượng từ vựng chuyên ngành cần phải học quá lớn hay phải dịch định nghĩa, công thức Toán học từ tiếng Trung sang tiếng Việt.

Tương tự Thủy Trúc, dù chưa nhận được thông báo từ trường, Hoàng Nhung (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng rối bời vì có thông tin trường em ứng tuyển là Đại học Giao thông Tây An nằm trong danh sách phải thi đầu vào.

Mấy ngày gần đây, vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, Nhung vừa sưu tầm đề của một số trường đại học Trung Quốc từng tổ chức thi đầu vào để tự luyện. Làm thử đề tiếng Toán của một số trường, nữ sinh cho hay với thời lượng 90 phút, em chỉ hoàn thành một nửa dù đề thi tương tự với đề thi tốt nghiệp THPT của Việt Nam.

"Khó khăn lớn nhất là đọc không hiểu đề, nhiều từ em chưa từng đọc. Ở nhà em có thể vừa làm vừa tra từ điển nhưng đi thi thì không được dùng. Mỗi lần làm xong, em đều viết từ mới ra để học thuộc", Nhung chia sẻ.

Không riêng Trúc và Nhung, trên các diễn đàn du học Trung Quốc, các bài đăng về kỳ thi thu hút từ hàng nghìn lượt tương tác, phần lớn hỏi về đề thi mẫu và hướng ôn tập. Nhiều thí sinh bày tỏ lo ngại sẽ trượt học bổng hoặc không trúng tuyển vào trường nếu đạt điểm thấp hoặc không vượt qua kỳ thi.

Chưa thể đánh giá mức độ khó của kỳ thi

Theo ThS Việt, với kỳ thi này, thí sinh có thể gặp khó khăn trong đọc hiểu đề bài (các ký hiệu Toán, Lý có sự khác biệt giữa 2 nước hoặc đề thi tiếng chứa nhiều từ vựng chuyên ngành) và chưa quen cách ra đề, dạng đề hay kết cấu bài thi.

ThS Việt khuyên hiện tại, thí sinh nên tập trung ôn luyện bằng cách tìm kiếm và giải các bài thi gaokao (kỳ thi tuyển sinh đại học Trung Quốc) hoặc các bài thi đầu vào của các trường top đầu đã từng tổ chức thi trước đó. Bên cạnh đó, từng trường có thể sẽ công bố đề cương ôn tập, thí sinh có thể dựa vào đó để tham khảo.

“Do lần đầu tổ chức, mức độ khó của đề thi cũng chưa thể đánh giá. Tuy nhiên, độ khó có thể không quá cao. Ứng viên nắm chắc kiến thức cấp 3 là hoàn toàn có thể làm tốt bài thi”, ThS Việt nói.

Cùng với việc ôn thi, cả Trúc và Nhung tính thêm các phương án dự phòng. Thủy Trúc cho hay ngoài 3 trường chính ứng tuyển theo học bổng CSC, em nộp thêm hồ sơ vào các chương trình học bổng của trường hoặc tỉnh.

"Phương án xấu nhất là em sẽ tự chi trả chi phí du học", Trúc cho hay.

Trong khi đó, Nhung cho biết nếu không đỗ, em dự định gap year để cải thiện hồ sơ và tập trung ôn thi cho năm sau do gia đình không đủ điều kiện để tự chi trả toàn bộ chi phí du học.

"Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng nếu trượt học bổng hoặc không trúng tuyển, em sẽ rất hụt hẫng bởi đã chuẩn bị hồ sơ cả 3 năm. Nếu không thi mà chỉ xét hồ sơ như trước đây, khả năng đỗ của em cũng cao hơn", Nhung chia sẻ.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.