Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Tháo điểm nghẽn để TP.HCM đón “đại bàng”

Kinh tế 03/05/2024 - 05:28

Về TP.HCM vào dịp giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, vừa tranh thủ thăm gia đình, vừa là đi công tác, tôi nhận thấy có những thay đổi đáng kể so với 6 tháng trước đó, song vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Tháo điểm nghẽn để TP.HCM đón “đại bàng” - ảnh 1
TP.HCM cần phải nhận diện rõ những điểm nghẽn để tập trung tháo gỡ, đưa thành phố vươn lên

Chuyển biến đáng khích lệ

Đầu tiên, là sự hình thành của các yếu tố xanh hóa nền kinh tế, thể hiện qua một số quán cà phê, tiệm ăn theo phương châm thân thiện với môi trường, trong đó có sự xuất hiện của xe điện Xanh SM với cả mảng ô tô và xe máy. Tất cả đều đem lại những trải nghiệm đáng hài lòng. Điều đó nghĩa là các doanh nghiệp này làm thực, chứ không phải “làm màu”, cho có.

Tiếp đến, một người bạn của tôi chở đi xem những công trình ở các vị trí làm đường Vành đai 3. Anh nói về cơ hội, tiềm năng sau khi các công trình hoàn thành, khả năng kết nối với các địa phương lân cận.

Cuối cùng, tôi có dịp tiếp xúc với một số nhóm làm các dự án về công nghệ AI, ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ nhận diện hình ảnh, trợ lý chăm sóc khách hàng, cho đến hỗ trợ hoạt động trong các cơ quan phi chính phủ nước ngoài. Nói chuyện với một số đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam, họ đang kết nối để hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng những đề án như trung tâm tài chính quốc tế, tài trợ hoạt động giảm phát thải.

Đây là những chuyển biến rất đáng khích lệ, đặt nền tảng cho TP.HCM hiện thực hóa tầm nhìn về một đô thị thông minh, xanh, đi đầu về công nghệ, là một trung tâm tài chính có khả năng thu hút đầu tư của các “đại bàng”.

Những điểm nghẽn lớn: Tầm nhìn tổng thể, cơ chế và con người

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, tôi nhận ra một vài điểm nghẽn lớn.

Điểm nghẽn thứ nhất, là đa số các hoạt động này hoặc tự phát từ doanh nghiệp, hoặc chính quyền địa phương có một đầu bài chung chung, rồi tìm kiếm các cơ quan trung gian xúc tiến kết nối. Những bên kết nối này thực tế cũng không hiểu rõ điểm đến là gì, xuất phát điểm ở đâu, chỉ có thể kết nối đến đầu mối nào họ cho là có thể làm mà thôi.

Một sự mơ hồ chung chung như vậy cũng vẫn dẫn đến những đề án tư vấn, nhưng cả người tham gia tư vấn lẫn người được tư vấn không hình dung được cả bức tranh lớn và tổng thể là gì. Vì vậy, kết quả là sẽ có đủ thứ tư vấn, sáng kiến đưa ra về một thành phố xanh, hiện đại, trung tâm tài chính, thậm chí là dẫn đầu về công nghệ AI, bán dẫn. Thế nhưng, tổng thể quy hoạch là gì, đâu là trái tim và cái thần của bức tranh lớn thì không ai hình dung ra được. Mỗi một dự án, sáng kiến cứ như là những miếng đồ chơi Lego nhiều màu sắc rất đẹp, nhưng đang tồn tại riêng lẻ và không biết lắp vào đâu được, do đó, cũng không biết tăng trưởng ở đâu, nhân rộng mô hình thế nào, tương lai là gì.

Điểm nghẽn thứ hai, là cơ chế và thủ tục hành chính. Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98) có tác động rất quan trọng trong việc mở ra một số hướng về cơ chế, chính sách đặc thù. Nhưng bản chất “thí điểm” cộng với việc nhiều yếu tố phát triển mới vẫn sẽ vướng vào các quy định, chính sách chung, khung pháp lý chung, mà Nghị quyết 98 không thể “phá rào” hết, nên vẫn sẽ có những bối rối trong triển khai. Câu chuyện TP.HCM gửi gần 600 văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một ví dụ về sự rối rắm trong cơ chế hiện nay, không phải cứ có Nghị quyết 98 là giải quyết được.

Đó là nói về cái cơ chế lớn, chuyện khung khổ chính sách và pháp luật. Còn nói chuyện “cơ chế nhỏ”, là những thủ tục rườm rà, đôi khi tưởng nhỏ nhưng không hề và phải phụ thuộc vào sự mẫn cán của các cán bộ công vụ. Trong một số trường hợp, nó làm khó người dân, làm nản lòng nhà đầu tư.

Một lãnh đạo quỹ đầu tư nước ngoài quy mô lớn kể với tôi là cuối tuần mà vẫn phải lên cơ quan công quyền để xác nhận một tài liệu không quá quan trọng, chỉ vì cơ quan cần đại diện pháp luật phải lên gặp, chứ không làm việc với nhân viên. Một câu chuyện khác lên đến cả truyền thông là một Việt kiều mất ở TP.HCM, hơn 3 tháng chưa xong thủ tục khai tử, do các cơ quan chức năng ở TP.HCM “chỉ qua chỉ lại”.

Gia đình người Việt kiều đó và lãnh đạo quỹ đầu tư đó chính là cầu nối quan trọng đi ra nước ngoài của Việt Nam. Người ta có thể đến gặp lãnh đạo TP.HCM, tươi cười bắt tay, nhưng để hỏi thêm về đất nước Việt Nam, họ sẽ tìm đến những người trong cuộc. Nếu họ gặp những người đã bị làm phiền nhiễu như vậy, thì câu chuyện họ nghe được sẽ là gì? Họ có còn tin những hứa hẹn trong cuộc gặp chính thức kia hay không? Chúng ta muốn đón “đại bàng”, nhưng lại đối xử chưa tốt với các “đại sứ thân thiện” có thể dẫn “đại bàng” đến, thì liệu “đại bàng” có đến hay không?

Điểm nghẽn thứ ba, là nguồn nhân lực. Không chỉ TP.HCM, mà trên toàn cầu, đều đang thiếu nhân lực cho lĩnh vực kinh tế xanh, AI và bán dẫn. Chỉ riêng với lĩnh vực gần gũi nhất, đang có nhiều tập đoàn sang tìm hiểu là lĩnh vực bán dẫn, nhưng chúng ta cũng đang loay hoay.

Ông Nguyễn Hoàng Cương, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn (Tập đoàn Viettel) cho rằng, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay. Muốn đạt kế hoạch 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, các trường đại học phải tăng gấp 10 lần quy mô đào tạo. Thế nhưng, mọi thứ vẫn đang chỉ nằm trên các dự thảo đề án như bài viết “Thiếu hàng vạn nhân lực thiết kế chip bán dẫn” mà Báo Đầu tư phản ánh. Quan trọng hơn, vai trò chủ động của TP.HCM như thế nào trong các đề án này lại không thể hiện rõ, trong khi đây là một trong những địa phương có lợi thế về chất lượng nhân lực, các trung tâm nghiên cứu và trường đại học.

Đây chỉ là một ví dụ đơn giản trong rất nhiều ví dụ về việc thiếu nguồn nhân lực để TP.HCM hiện thực hóa tầm nhìn về trung tâm tài chính quốc tế, về tham vọng với công nghiệp bán dẫn, cũng như mục tiêu tạo ra tăng trưởng mới từ hoạt động kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của mình. Vẽ đề án thì dễ, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu mới khó.

Tháo gỡ điểm nghẽn từ đâu?

Cải thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý cho đầu tư kinh doanh là đề xuất, giải pháp được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong nhiều năm nay, nhưng dường như nó vẫn đang là điểm nghẽn lớn cho chính TP.HCM, bất chấp Nghị quyết 98 đã ra đời. Để cải thiện nó, theo tôi, cần phân ra 2 tầng giải pháp.

Tầng một, là các giải pháp về thể chế lớn, để TP.HCM được tự chủ hơn, có khuôn khổ thí điểm dài hơn và đặc thù thật sự với những vấn đề lớn và mới như kinh tế xanh, AI, bán dẫn.

Tầng hai, là câu chuyện về cải cách nền công vụ. Gần đây, tôi đọc được đề xuất của TS. Nguyễn Sĩ Dũng về “Xây dựng nền công vụ tận tâm và xuất sắc” ở TP.HCM. Tôi nhận ra, vấn đề về lương và một hệ thống tuyển chọn nghiêm ngặt là rất quan trọng, nhưng lại khó như câu chuyện con gà và quả trứng. Thu nhập không cạnh tranh thì khó giữ chân người tài, mà người tài không đến lại còn tuyển chọn nghiêm ngặt thì lấy ai làm việc? Mà không đủ nhân tài thì ai cố vấn cho lãnh đạo được tầm nhìn, chiến lược, chiến thuật phù hợp. Có tầm nhìn phù hợp mà không có nền công vụ xứng tầm thì làm sao cụ thể hóa được tầm nhìn thành hành động? Cho nên, điểm nghẽn này phải là thứ đầu tiên được hóa giải.

Có được một nền công vụ tận tâm và xuất sắc, thì sẽ có các đề xuất hợp lý để giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, khi đó “đại bàng” mới đến. Có cọ xát với “đại bàng”, thì mới nâng chất lượng nhân lực và biết mình cần gì, thiếu gì, điểm mạnh ở đâu mà khai thác để đi tắt, đón đầu trong đào tạo nhân lực. Có thế mạnh thực sự rồi thì mới biết chọn đâu là mũi nhọn trong bức tranh tổng thể về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tiến tới đạt được vai trò trung tâm tài chính quốc tế và biết chọn khâu nào trong công nghiệp bán dẫn của thế giới để thu hút đầu tư.

Là người sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, gắn bó với Thành phố hơn 25 năm từ khi ra đời, tôi luôn giữ hy vọng về một thành phố với nhiều mảng xanh, một khu công nghệ cao và một niềm tự hào về dịch vụ tài chính. Không phải TP.HCM hiện nay không có những thứ đó, nhưng dường như những thứ đó chưa xứng với tầm nhìn và tiềm năng của nơi từng được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông.

Lần nào về TP.HCM, tôi cũng luôn thấy rất nhiều cơ hội, có nhiều thứ để làm. Nhưng cũng mỗi lần về, tôi lại luôn cảm giác mọi người đang loay hoay mãi với những tầm nhìn, nhưng luôn gặp trở ngại để đạt được nó, với đủ loại rào cản hữu hình và vô hình. Hy vọng rồi đây, chúng ta sẽ bớt loay hoay hơn để tìm đường bứt phá cho một trong những đầu tàu kinh tế chính của cả nước này.