Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Quốc đảo bị hacker đưa về thời ''tiền Internet''

Công nghệ 01/12/2022 - 01:45

Vụ hack bí ẩn đã đánh sập hệ thống thông tin của quốc đảo Vanuatu, khiến hàng trăm nghìn người dân trở về thời “tiền Internet”, làm giấy tờ, thủ tục bằng giấy, bút.

Quốc đảo bị hacker đưa về thời ''tiền Internet'' - ảnh 1

Chính quyền nước này lại không tiết lộ bất cứ thông tin gì về cuộc tấn công bất ngờ. Ảnh: Reuters.

Chính phủ nước Vanuatu, một đảo quốc nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, đã mất kết nối mạng trong suốt 3 tuần do bị hacker tấn công trực tuyến. Điều này đã khiến người dân không thể sử dụng các dịch vụ công, thậm chí còn phải sử dụng giấy, bút truyền thống để thực hiện thanh toán, giao dịch thường ngày.

Người dân không thể nộp thuế, không thể gọi cảnh sát

Theo New York Times, toàn bộ hệ thống thông tin của chính phủ Vanuatu bao gồm các website chính thức, dịch vụ trực tuyến đồng loạt hư hỏng vào ngày 6/11. Tuy nhiên, chính quyền nước này lại không tiết lộ bất cứ thông tin gì về cuộc tấn công bất ngờ hay công tác khôi phục hệ thống mạng của mình. Sự im lặng này đã nhận về không ít chỉ trích của người dân, thậm chí còn bị báo đài gọi là “bí ẩn tệ hại nhất”.

Cuộc tấn công mạng đã diễn ra chỉ sau vài ngày chính phủ của Thủ tướng mới Alatoi Ishmael Kalsakau lên nắm quyền, gây ra rất nhiều bất tiện cho 320.000 cư dân sinh sống trên quốc đảo.

Quốc đảo bị hacker đưa về thời ''tiền Internet'' - ảnh 2

Vanuatu là một đảo quốc nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương. Ảnh: New York Times.

Tờ Sydney Morning Herald của Australia tiết lộ nhóm hacker đã tống tiền chính phủ Vanuatu nhưng bị quốc gia này từ chối.

“Ở đây, mọi thứ đều hoạt động qua email nên chỉ cần email ngừng hoạt động, hàng loạt vấn đề đã xảy ra”, Glen Craig của công ty tư vấn Pacific Advisory, chuyên hợp tác với chính phủ các nước ở Thái Bình Dương. Chuyên gia cho biết những công vụ của người dân như cấp phép xây dựng, giấy tờ cư trú đều bị hoãn lại.

Các dịch vụ cấp cứu cũng bị ảnh hưởng. Đường dây nóng của cảnh sát đã hỏng suốt một tuần qua. Trong khi đó, quy trình trả lương cho công nhân viên chức cũng bị hoãn lại, nhiều người còn không thể nộp thuế vì dịch vụ gặp vấn đề.

“Trong đám bạn của tôi, người thì không thể làm mới bằng lái xe, người thì không thể nộp thuế tài sản đúng hẹn”, Gilbert Fries, quản lý một resort nổi tiếng tại Vanuatu, chia sẻ. Anh cho biết các nhân viên ở cảng còn phải dùng giấy, bút truyền thống để làm thủ tục vận chuyển hàng hóa.

Glen Craig cho biết nếu muốn nộp thuế, người dân phải tự mình tới nộp tại văn phòng chính phủ. “Biên bản chứng nhận giao dịch sẽ được gửi đến họ thông qua một tờ bảng biểu”, ông nói.

Sự cố hy hữu

Theo New York Times, Pat Conroy, Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương của Australia, cho biết họ sẽ hỗ trợ khôi phục hệ thống thông tin tại quốc đảo Vanuatu láng giềng.

“Chúng tôi đã nhanh chóng ngỏ ý giúp đỡ và gửi một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đến để khôi phục sự cố sau vụ tấn công. Chúng tôi cũng đang nỗ lực đưa hệ thống trở lại chính phủ Vanuatu nhanh nhất có thể”, Bộ trưởng Conroy khẳng định.

Quốc đảo bị hacker đưa về thời ''tiền Internet'' - ảnh 3

Toán bộ hệ thống thông tin của chính phủ Vanuatu đã bị đánh sập. Ảnh: iStock.

Nhận định về vấn đề này, Nigel Phair, giám đốc Viện An ninh mạng tại Đại học New South Wales nói rằng chính phủ các nước rất thường xuyên bị tấn công trực tuyến. Nhưng toàn bộ hệ thống bị đánh sập như Vanuatu là sự cố hy hữu vì “an ninh mạng của các cơ quan chính phủ rất nghiêm ngặt”.

Trong các vụ tấn công, hacker thường nhắm đến những dữ liệu nhạy cảm hòng tống tiền chính phủ.

“Các thông tin cơ mật như thuế, an ninh xã hội, thông tin sức khỏe hay những tài liệu liên quan đến Thủ tướng sẽ mang nhiều lợi thế cho nhóm tội phạm hơn là hệ thống thông tin. Vì điều này chỉ có ảnh hưởng đến một phần nhỏ trong đời sống của người dân”, ông Nigel Phair đưa ra nghi vấn.

Theo Carsten Rudolph, Phó Trưởng khoa Thông tin của Đại học Monash, Australia, với một quốc gia có dân số ít như Vanuatu, rất khó để có một đội ngũ nhân viên an ninh mạng có khả năng giải quyết vấn đề này.

“Nguyên nhân vấn đề không chỉ là do vị trí địa lý của Thái Bình Dương mà còn liên quan đến dân số ít và người dân liên tục rời đi vì biến đổi khí hậu ở đây. Do đó, đây không đơn giản chỉ là nguy cơ an ninh mạng mà còn là vấn đề của nhiều khía cạnh khác”, Carsten Rudolph nhận định.

Theo New York Times, không chỉ Vanuatu, các đảo quốc ở khu vực Thái Bình Dương khác còn thường xuyên gặp tình trạng mất Internet tương tự. Hồi tháng 1, thảm họa phun trào núi lửa đã phá hủy tuyến cáp ngầm dưới biển duy nhất kết nối Tonga với thế giới bị đứt, người bên ngoài gần như không thể liên lạc với bất cứ ai ở quốc đảo.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.