Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Phó thống đốc: Hạn mức tín dụng có thể vượt 15% nếu thị trường có nhu cầu

Kinh tế 14/04/2024 - 07:38

Phó thống đốc, Đào Minh Tú, cho rằng nếu điều kiện kinh tế cho phép, cộng thêm nhu cầu vốn của thị trường thì hạn mức tín dụng không chỉ dừng ở mức 15% mà có thể tăng thêm.

Chiều 5/4, tại hội thảo với chủ đề "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà Nước, Đào Minh Tú, chia sẻ một số nội dung liên quan đến tăng trưởng tín dụng và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Vốn trong nền kinh tế không thiếu

Theo ông Tú, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp. Trong khi, lãi suất hiện thấp nhất trong 20 năm qua. 

Đối với các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý tiền tệ luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.

Phó thống đốc cho rằng vốn nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng đã Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng ngay từ đầu năm với 15%.

"Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể cân nhắc tăng hạn mức tín dụng lên thêm, không chỉ dừng ở mức 15%", ông Tú nhấn mạnh.

Phó thống đốc: Hạn mức tín dụng có thể vượt 15% nếu thị trường có nhu cầu - ảnh 1
Phó thống đốc, Đào Minh Tú (Ảnh: An Lý).

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 (Thông tư của NHNN về cơ cấu lại nhóm nợ).

Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào 30/6 tới. 

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vì đâu?

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo. 

Hai tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, như ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá... Cùng với lãi suất ngân hàng đã hạ, ông Tuệ cho rằng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Ông Tuệ cho rằng Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng được kéo dài thay vì kết thúc vào 30/6 tới.

Về phía ngân hàng, ông đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp. 

Cũng tại hội thảo, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ngành thủy sản luôn có doanh số xuất khẩu lớn, song năm 2023 sụt giảm nặng nề, chưa đạt 9 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ.

Đối với vốn cho ngành thủy sản, bà Lan cho biết do các doanh nghiệp không có đơn hàng, các thị trường chính đều suy giảm đơn hàng nên doanh nghiệp ngại vay vốn.

Với nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thường vay USD, biến động tỷ giá không có lợi cho doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp chững lại về vay vốn, chờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu lớn.

Theo bà Lan, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%/năm. Còn với các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%/năm.

Từ thực tế trên, bà Lan đề xuất các ngân hàng xem xét hạ lãi suất đối với vay USD với mức dưới 4%, bên cạnh đó bà Lan cũng đề xuất các ngân hàng phổ biến công khai các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Lãi suất thấp nhưng cần duy trì thêm

PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Luật, cho rằng lãi suất trên thị trường đã thấp nhưng cần duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế.

Lãi suất thấp sẽ phát huy được khi nền kinh tế ở pha phục hồi. Cộng với hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa công bố công khai biểu lãi suất cho vay sẽ giúp cho thị trường công khai và minh bạch hơn.

Ở góc độ ngân hàng, bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cho biết lãi suất cho vay hiện cũng ở mức thấp. Tại ACB, đối với doanh nghiệp, lãi suất chỉ là 4,9%/năm, còn khách hàng cá nhân 6-8%/năm.

Phó thống đốc: Hạn mức tín dụng có thể vượt 15% nếu thị trường có nhu cầu - ảnh 2
Biểu lãi suất cho vay tính đến cuối tháng 3 (Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, Đại học Quốc gia TPHCM).

Riêng với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay ngắn hạn 6%/năm và cố định lãi suất 2 năm cho vay mua nhà để ở là 7%/năm và có sản phẩm trả góp theo bậc thang với năm đầu rất thấp 2%/năm để giảm bớt áp lực trả nợ cho khách hàng.

Nhìn nhận về thị trường 2024, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), cho biết do năm 2023 đã giải ngân tín dụng khá lớn nên giai đoạn đầu năm tăng trưởng tín dụng chậm lại, giải ngân đầu năm giảm đi cộng với nhu cầu của doanh nghiệp cũng giảm. 

Còn hiện nay, khi mặt bằng lãi suất thấp, không vướng room tín dụng, doanh nghiệp cũng đỡ áp lực về chi phí vốn nên dự báo nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng với mức độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt 13,5-14% là mục tiêu khả thi và phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP.