Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Nghiên cứu bổ sung tác động thuộc Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Giao thông 21/10/2023 - 18:47

HĐND tỉnh Bắc Ninh giao UBND tỉnh phối hợp với UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu bổ sung tác động về Dự án thành phần 3 (Dự án PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.

Nghiên cứu bổ sung tác động thuộc Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô - ảnh 1 Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung phát biểu tại Kỳ họp. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Chiều 19/10, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề) nhằm thảo luận, xem xét, thông qua một số nội dung quan trọng.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, thông qua ba nghị quyết: Về việc lấy ý kiến tác động của việc thực hiện Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công (Dự án PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; Phê duyệt phương án điều chỉnh, thu hồi, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2023; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 18 đi làng nghề xã Phù Lãng, huyện Quế Võ (nay là thị xã Quế Võ).

Theo đó, kỳ họp thống nhất các nội dung đánh giá tác động của việc thực hiện Dự án thành phần 3.

Cụ thể, về tác động về mặt xã hội, an ninh-quốc phòng, mặt bằng hướng tuyến của dự án không có công trình quốc phòng, đất quốc phòng, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ, hoạt động quốc phòng trong khu vực.

Mặt khác, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đều đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường song hành (đường đô thị), trong đó có xem xét tổng thể các nội dung liên quan đến dự án tổng thể và dự án thành phần 3, do vậy Dự án phù hợp với các nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng khu vực.

Tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò liên kết vùng và kết nối giao thông đô thị. Do đó, việc đầu tư tuyến đường này góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực làm phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.

Tuyến đường khi được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối thế trận khu vực phòng thủ của tỉnh Bắc Ninh với các địa phương lân cận; đồng thời, phát triển mới khai thác hiệu quả các khu đô thị, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư, thu hút có hiệu quả nhà đầu tư vào các Khu công nghiệp dọc hai bên tuyến trên địa phận tỉnh Bắc Ninh…

Tác động về mặt kinh tế-xã hội, Dự án góp phần thúc đẩy công việc phát triển, khai thác các tiềm năng trong khu vực, địa phương, đẩy mạnh kinh tế thị trường, nhịp độ tăng trưởng kinh tế, góp phần làm tăng thu nhập quốc dân.

Tác động liên quan đến chính sách đầu tư, việc đầu tư theo hình thức PPP sẽ huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực vốn Nhà nước, tận dụng được thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân, phân chia rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, quản lý vận hành và khai thác công trình dự án.

Bên cạnh đó, Dự án đầu tư tuyến mới nên có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ; thu phí theo chiều dài sử dụng dịch vụ nên đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng…

[Nguồn vật liệu cho Dự án đường Vành đai 4 được chuẩn bị ra sao?]

Hội đồng Nhân dân tỉnh giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu bổ sung tác động về Dự án thành phần 3 (Dự án PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ủy ban Nhân dân tỉnh kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư; xây dựng phương án tính phí hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân, nghiên cứu các nút giao liên thông cho hợp lý, thuận tiện, đảm bảo dự án khi hoàn thành phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, nhà nước và mục tiêu của nhà đầu tư.

Với Nghị quyết về Phê duyệt phương án điều chỉnh, thu hồi, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 giữa các dự án, nhiệm vụ chi cấp tỉnh: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng mức vốn là 75 tỷ đồng (không bao gồm điều chuyển nội bộ cùng chủ đầu tư thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh với tổng mức 281 tỷ đồng); thu hồi kinh phí đã bố trí cho các dự án, nhiệm vụ chi cấp tỉnh với số tiền là hơn 666 tỷ đồng.

Nghiên cứu bổ sung tác động thuộc Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô - ảnh 2 Các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Bổ sung danh mục, mức vốn bố trí cho các dự án, nhiệm vụ chi cấp tỉnh (bao gồm cả dự án thuộc danh mục bí mật nhà nước) từ nguồn kinh phí thu hồi của các dự án, nhiệm vụ chi cấp tỉnh với tổng số tiền là hơn 61,5 tỷ đồng.

Bổ sung mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố từ nguồn kinh phí thu hồi của các dự án, nhiệm vụ chi cấp tỉnh, với tổng số tiền là hơn 527 tỷ đồng. Phần vốn thu hồi còn lại sau khi bổ sung có mục tiêu cấp huyện, tổng số tiền là hơn 77,5 tỷ đồng.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 18 đi làng nghề xã Phù Lãng, tổng mức đầu tư dự kiến sau điều chỉnh hơn 135 tỷ đồng (tăng hơn 62,4 tỷ đồng) để phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện sau điều chỉnh thực hiện đến năm 2025.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, các Nghị quyết được kỳ họp thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2023.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Đồng thời, các ngành, địa phương bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023 và tình hình thực tiễn để chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đôn đốc các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu, phối hợp, quyết liệt đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và linh hoạt trong việc điều hành nguồn vốn đầu tư công./.

Thanh Thương (TTXVN/Vietnam+)