Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Nghỉ lễ càng dài, hết lễ càng uể oải

Du lịch 02/05/2024 - 14:39

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ kéo dài, cảm giác chán nản, mệt mỏi là biểu hiện thường gặp của một số người.

Nghỉ lễ càng dài, hết lễ càng uể oải - ảnh 1

Post-vacation blue là tình trạng phổ biến khi chúng ta kết thúc một kỳ nghỉ. Ảnh: Nguyễn Kỳ Anh.

Kỳ nghỉ giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng tinh thần và tăng sự hài lòng trong cuộc sống. Tuy nhiên, những tác động tích cực này dễ biến mất trong tuần đầu tiên trở lại cuộc sống thường nhật khi chúng ta phải đối mặt với công việc và nhiệm vụ hàng ngày.

Có một thuật ngữ mô tả tình trạng này: Post-vacation blue (tạm dịch: nỗi buồn hậu kỳ nghỉ).

Post-vacation blue là gì?

Post-vacation blue là cảm giác chán nản, uể oải sau khi kết thúc một kỳ nghỉ. Khái niệm này lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1950. Kỳ nghỉ càng kéo dài, triệu chứng post-vacation blue càng nghiêm trọng.

Cảm giác này có thể bắt nguồn từ sự chênh lệch giữa sự tự do và niềm vui trong kỳ nghỉ so với cuộc sống hàng ngày đầy áp lực và trách nhiệm.

Theo Medical News Today, người rơi vào tình trạng post-vacation blue thường có những triệu chứng sau:

  • Cảm giác lo lắng, mơ hồ
  • Dễ cáu gắt
  • Cảm giác hoài niệm
  • Khó ngủ, chán ăn
  • Khó chịu với bất cứ ai.

Nguyên nhân

Trong một cuộc nghiên cứu vào năm 2020 trên 60 người lao động, các nhà khoa học đã đo lường những thay đổi tâm lý xảy ra trước, trong và sau kỳ nghỉ.

Với những người có căng thẳng công việc thấp, kỳ nghỉ mang đến niềm vui và tái tạo năng lượng trong cuộc sống. Trong khi đó, căng thẳng trong công việc dường như lan sang giai đoạn trước và đến sau kỳ nghỉ với những người có trách nhiệm công việc cao.

Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này?

▸ Sự chênh lệch giữa kỳ nghỉ và cuộc sống thường nhật

Một trong những nguyên nhân chính gây ra post-vacation blue là sự chênh lệch lớn giữa không gian và thời gian của kỳ nghỉ so với cuộc sống hàng ngày.

Trong kỳ nghỉ, chúng ta được sống trong một thế giới không có áp lực công việc, không có lịch trình cứng nhắc và được tự do khám phá, thư giãn. Khi trở lại với thực tế, sự đối lập này tạo ra một cảm giác hụt hẫng, khiến chúng ta khó khăn trong việc thích nghi.

▸ Sự mất cân bằng hormone

Kỳ nghỉ thường liên quan đến việc tăng cường hoạt động và trải nghiệm mới lạ. Điều này kích thích cơ thể sản xuất hormone hạnh phúc như serotonin và dopamine.

Khi kỳ nghỉ kết thúc, sự giảm sút đột ngột trong việc sản sinh những hormone này có thể dẫn đến cảm giác buồn bã và thiếu động lực.

Nghỉ lễ càng dài, hết lễ càng uể oải - ảnh 2 Nghỉ lễ càng dài, hết lễ càng uể oải - ảnh 3

Kỳ nghỉ lễ mang đến tác động tích cực đến tinh thần cho mỗi người. Ảnh: @elly_go_.

▸ Hiệu ứng đối sánh xã hội

Mạng xã hội hiện đại cho phép chúng ta chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của kỳ nghỉ. Tuy nhiên, khi trở lại cuộc sống hàng ngày, việc liên tục so sánh những trải nghiệm đó với thực tại có thể tạo ra cảm giác không hài lòng và thiếu thốn.

▸ Áp lực công việc tích tụ

Trở lại công việc sau kỳ nghỉ đôi khi đồng nghĩa với việc phải đối mặt với một lượng lớn công việc tích tụ. Áp lực để bắt kịp công việc có thể gây ra stress và cảm giác quá tải.

Làm sao để giải quyết tình trạng này?

Theo HealthlineHealthnews, sau đây là một số cách để giải quyết post-vacation blue, giúp bạn lấy lại tinh thần và tiếp tục cuộc sống một cách tích cực.

▸ Dọn dẹp nhà cửa trước khi rời khỏi nhà

Trước khi bạn rời đi, hãy dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa. Việc trở về một ngôi nhà gọn gàng và sạch sẽ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và chào đón hơn.

▸ Lập kế hoạch cho ngày 'chuyển tiếp' với công việc

Nếu có thể, hãy dành một hoặc hai ngày để điều chỉnh trở lại với cuộc sống hàng ngày trước khi bạn bắt đầu công việc. Điều này sẽ giúp bạn có thời gian để mua sắm, giặt giũ và giải quyết những việc bất ngờ phát sinh trong thời gian bạn vắng nhà.

▸ Thêm một sự kiện vui vẻ sau chuyến nghỉ mát

Trước khi bạn đi nghỉ, hãy lên kế hoạch cho một sự kiện vui vẻ sau khi bạn trở về, như xem phim, ăn trưa với bạn bè hoặc chơi golf. Sự kiện này không cần phải tốn kém, nhưng sẽ là bước đệm để bạn thích nghi trở lại với cuộc sống hàng ngày.

Nghỉ lễ càng dài, hết lễ càng uể oải - ảnh 4 Nghỉ lễ càng dài, hết lễ càng uể oải - ảnh 5

Một sự kiện vui chơi, ăn uống với bạn bè sau kỳ nghỉ sẽ giúp bạn thích nghi dễ dàng hơn với cuộc sống hàng ngày. Ảnh: @aex.cocktail.

▸ Duy trì thói quen

Cố gắng duy trì lịch trình ngủ và tập thể dục thông thường của bạn càng nhiều càng tốt. Điều này giúp cơ thể bạn điều chỉnh và giảm bớt cảm giác mất phương hướng sau kỳ nghỉ.

▸ Kết nối với gia đình, bạn bè

Gặp gỡ và chia sẻ kỷ niệm với bạn bè và gia đình có thể giúp bạn cảm thấy được kết nối và giảm bớt cảm giác cô đơn sau kỳ nghỉ.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch