Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Mâu thuẫn với gia đình, người đàn ông uống 10 ống thuốc chuột tự tử

Giới trẻ 06/05/2024 - 04:59

Sau khi cãi nhau với gia đình, người đàn ông uống 10 ông thuốc diệt chuột màu hồng, được người nhà phát hiện mang đi cấp cứu.

Ngày 4/5, thông tin từ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, đơn vị này vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân bị ngộ độc thuốc chuột.

Do mâu thuẫn với gia đình, người đàn ông đã uống 10 ông thuốc diệt chuột màu hồng (thành phần nghi ngờ là Natri Fluoroacetat), được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được rửa dạ dày. Trong quá trình điều trị, người đàn ông xuất hiện nhiều cơn kích thích, co giật, tăng trương lực cơ toàn thân, có nhiều cơn vắng ý thức. Có thời điểm bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, an thần.

Sau nhiều giờ cấp cứu, người bệnh giữ được tính mạng, tuy nhiên trước tiền sử uống số lượng lớn thuốc diệt chuột, diễn biến bệnh phức tạp, bệnh nhân được nằm theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Mâu thuẫn với gia đình, người đàn ông uống 10 ống thuốc chuột tự tử - ảnh 1
Người bệnh đang nằm điều trị tại khoa Chống độc. (Ảnh: BVCC)

Theo các bác sĩ, Natri Fluoroacetat và Fluoroacetamid (hợp chất 1080 và 1081) là hóa chất diệt chuột mới được sử dụng từ đầu những năm 1990 ở Việt Nam). Hóa chất diệt chuột loại này thường được sản xuất dưới dạng hạt gạo màu hồng, dạng ống dung dịch màu hồng hoặc không màu. Nếu không được cấp cứu khẩn trương và điều trị tích cực, nạn nhân sẽ nhanh chóng co giật, suy hô hấp, tiêu cơ vân, suy thận, rối loạn nhịp, suy tim cấp, tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo bà con không tự ý thử hay sử dụng thuốc diệt chuột, đặc biệt với đối tượng trẻ em, không để bả chuột ở nơi trẻ hay chơi đùa hoặc nơi dễ nhìn thấy như cửa sổ, góc nhà, gầm giường, trên đường trẻ đi học...

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ người thân uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, gia đình cần nhanh chóng tách người thân ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc và khẩn trương đưa tới cơ sở y tế gần nhất, khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà người nhà ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.

Theo VTC