Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Hơn 3.900 tỷ đồng nâng cấp hành lang đường thủy, logistics phía Nam

Giao thông 18/10/2023 - 15:21

Dự án đầu tư xây dựng Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam khi được đầu tư sẽ góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vận tải đường thủy.

Hơn 3.900 tỷ đồng nâng cấp hành lang đường thủy, logistics phía Nam - ảnh 1 Vận tải đường thủy nội địa sẽ phát huy lợi thế vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp ở cự ly trung bình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ban Quản lý các dự án Đường thuỷ vừa có Tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam với tổng mức đầu tư là hơn 3.900 tỷ đồng

Theo đó, dự án nhằm nâng cấp 2 tuyến hành lang đường thuỷ trọng yếu gồm hành lang Đông-Tây có chiều dài khoảng 197km qua sông Hậu (từ Cảng Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, Sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, Rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (ngã ba sông Soài Rạp, sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh).

Mặt khác, hành lang Đông-Tây sẽ được cải tạo, nâng cấp đạt cấp 2 kỹ thuật đường thuỷ nội địa cho tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24 giờ, tàu tự hành đến 1.500T lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.

Hành lang Bắc-Nam có chiều dài khoảng 82km qua các Sông Đồng Nai (từ sảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm sảng Cái Mép Thị Vải) đồng thời sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000T, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.

Ban Quản lý các dự án Đường thuỷ cũng đưa ra tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.900 tỷ đồng (tương đương 163,34 triệu USD), trong đó hai khoản chi phí lớn nhất là chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 719,6 tỷ đồng; chi phí xây dựng 2.222,4 tỷ đồng.

Dự án dự kiến vay của Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 2.554,81 tỷ đồng (tương đương 107 triệu USD) để thanh toán chi phí xây dựng, chi phí tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật và cắm cọc giải phóng mặt bằng, tư vấn giám sát thi công xây dựng (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Ngoài ra, dự án sẽ được nhận viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia dự kiến 13,89 tỷ đồng (tương đương 0,582 triệu USD), sử dụng để chi trả cho chi phí cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi, cập nhật tài liệu an toàn môi trường, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

[Đầu tư phát triển đường thủy nội địa cần khoảng 160.000 tỷ đồng]

Vốn đối ứng của Chính phủ tại dự án vào khoảng 1.331,31 tỷ đồng (tương đương 55,76 triệu USD) được sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, chi phí tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật và cắm cọc giải phóng mặt bằng, tư vấn giám sát thi công xây dựng); chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn trong nước (chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, lệ phí thẩm định…); chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí khác; dự phòng phần vốn đối ứng; phí dịch vụ khoản vay, lãi vay trong thời gian xây dựng. Thời gian thực hiện là 5 năm kể từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn.

Dự án dự kiến triển khai trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Long (gồm huyện Trà Ôn, huyện Tam Bình, huyện Mang Thít), tỉnh Bến Tre (huyện Chợ Lách), tỉnh Tiền Giang (huyện Gò Công Tây), tỉnh Long An (huyện Châu Thành), tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch).

Hơn 3.900 tỷ đồng nâng cấp hành lang đường thủy, logistics phía Nam - ảnh 2 Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa giao thông vận tải đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông-Tây kết nối khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc-Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm Cảng Cái Mép-Thị Vải, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh tại các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Liên quan đến vấn đề này, hiện Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý các dự án Đường thủy là chủ đầu tư hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt dự án đầu tư ngay sau khi khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt; đàm phán Hiệp định vay với WB từ quý 4/2023 và phấn đấu khởi công trong năm 2024./.

Việt Hùng (Vietnam+)