Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

''Hãn Huyết bảo mã'' và những giống ngựa quý hiếm nhất thế giới

Tuổi Teen 24/03/2024 - 05:46

Trong hơn 350 giống ngựa được phát hiện tính đến hiện tại, chỉ số ít được coi là quý hiếm. Một vài loài có niên đại tới hàng nghìn năm, thậm chí có giá bán tới 300.000 USD/cá thể.

Năm 2018, tỷ phú người Trung Quốc Chen Zifeng gây chấn động khi bỏ ra 312 triệu USD để thu mua và nhân giống Akhal-teke - giống ngựa quý có nguồn gốc từ Turkmenistan, nổi danh hàng nghìn năm với tên gọi “Hãn Huyết bảo mã” hay “Đại Uyển mã”.

Bỏ ra hàng trăm triệu USD, Chen cho biết ông chưa thu được chút lợi nhuận nào, nhưng không hề có ý định bán đàn ngựa của mình. Phát biểu này khiến nhiều người khẳng định sưu tầm ngựa là một trong những thú chơi xa xỉ của giới siêu giàu, số khác lại không khỏi tò mò về cảm giác ngồi trên lưng ngựa quý. Trên thế giới, Akhal-teke được xếp vào danh sách giống ngựa quý hiếm nhất, bên cạnh Falabella (Argentina) hay Caspi (Iran).

Akhal-teke

Với số cá thể còn sót lại ước tính chỉ khoảng 7.000 con, không ngạc nhiên khi Akhal-teke được ví như một huyền thoại. Tên của giống ngựa này được đặt theo bộ tộc Teke Turkmen, cư trú gần ốc đảo Akhal trên hoang mạc Karakum (Turkmenistan). Môi trường khắc nghiệt này đã biến Akhal-teke trở thành giống ngựa có khả năng sinh tồn ấn tượng.

''Hãn Huyết bảo mã'' và những giống ngựa quý hiếm nhất thế giới - ảnh 1

Akhal-teke là niềm tự hào của người dân Turkmenistan.

Sở hữu bộ lông ánh kim, Akhal-teke gợi liên tưởng về một loài ngựa “tỏa sáng” đúng nghĩa khi sải bước trên thảo nguyên. Vóc dáng cũng là một điểm đặc biệt bởi loài ngựa này có cấu trúc xương mỏng, cơ bắp phẳng, cổ và chân thon dài, tạo nên dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển.

''Hãn Huyết bảo mã'' và những giống ngựa quý hiếm nhất thế giới - ảnh 2

Nhiều cá thể Akhal-teke sở hữu bộ lông ánh kim ấn tượng.

Đặc biệt, Akhal-teke còn được biết đến là loài ngựa trung thành, có khả năng thấu hiểu chủ nhân. Bucephalus - chiến mã của Alexander Đại Đế (Hy Lạp) - cũng là giống Akhal-teke. Điểm độc đáo nằm ở chỗ Bucephalus (đầu bò đực) có kích thước trán rộng, mõm lõm, lỗ mũi xa và sở hữu bộ lông đen tuyền, một ngôi sao màu trắng trên trán cùng đôi mắt có màu sắc khác nhau. Các nhà sử học kể lại người cha Philip the Macedonian đã mua Bucephalus với giá rất cao ở thời điểm đó, nhưng chỉ Alexander Đại Đế mới có thể thuần hóa con ngựa này.

''Hãn Huyết bảo mã'' và những giống ngựa quý hiếm nhất thế giới - ảnh 3

Tượng Alexander Đại Đế và Bucephalus của nhà điêu khắc John Steell tại Edinburgh (Scotland).

Falabella

Nguồn gốc của Falabella đến nay vẫn chưa được xác nhận rõ ràng. Nhiều nguồn thông tin cho rằng huyết thống của giống “ngựa lùn” này bắt nguồn từ giống Andalusian và Iberia mà người Tây Ban Nha đã mang đến những vùng đồng bằng rộng lớn ở Nam Mỹ. Trong môi trường khắc nghiệt, những con ngựa này đã “tự sinh tự diệt”, trải qua nhiều thay đổi về gene để thích nghi khí hậu mới. Bị cô lập bởi các quần thể ngựa khác, việc giao phối cận huyết xảy ra một cách tự nhiên, khiến chúng nhỏ hơn theo thời gian.

Vào những năm 1980, Patrick Newtall trở thành người đầu tiên thực hiện chương trình nhân giống loài ngựa này tại Argentina. Khi ông qua đời, người con rể Juan Falabella tiếp quản công việc và lai tạo chúng với nhiều giống ngựa nhỏ như Welsh Pony, Shetland Pony, Throroughbreads để giảm kích thước xuống nhiều hơn nữa. Cái tên Falabella được đặt dựa trên dòng họ này.

''Hãn Huyết bảo mã'' và những giống ngựa quý hiếm nhất thế giới - ảnh 4

Giống “ngựa lùn” Falabella có vẻ ngoài dễ thương cùng tính cách thân thiện.

Thế giới hiện chỉ còn vài nghìn cá thể Falabella. Giống ngựa này không chỉ quý hiếm, mà còn nổi tiếng với kích thước rất nhỏ, khoảng 6-8 gang tay. Với bản tính hướng ngoại, ngoan ngoãn, Falabella luôn thể hiện sự thân thiện, phù hợp để chơi cùng trẻ em và thỉnh thoảng được sử dụng như một chú ngựa dẫn đường.

Caspi

Caspi (hay Caspian) là giống ngựa lâu đời nhất thế giới với lịch sử kéo dài từ khoảng những năm 3.000 trước Công nguyên tại miền Bắc Iran. Nhiều món đồ tạo tác của Ba Tư cổ đại có xuất hiện hình ảnh của ngựa Caspi thường được nhà vua và quý tộc cưỡi.

''Hãn Huyết bảo mã'' và những giống ngựa quý hiếm nhất thế giới - ảnh 5

Ngựa Caspi được ví như “quốc bảo” của Iran.

Những biến động của lịch sử khiến Caspi gần như biến mất khỏi bản đồ thế giới trong hơn 1.000 năm, cho đến khi Louise Firouz - một nhà lai tạo ngựa người Iran gốc Mỹ - tình cờ gặp những con ngựa nhỏ kiểu phương Đông này trên bờ biển Caspian vào năm 1965. Từ đây, bà đã quyết định mở những trang trại chăn nuôi Caspi tại Iran, châu Âu và Mỹ. Đến nay, dù chưa đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, ngựa Caspi vẫn có số lượng rất hạn chế, chỉ khoảng 1.000 cá thể trên thế giới.

Được ví như niềm tự hào của Iran, giống ngựa này có vẻ ngoài duyên dáng, mảnh mai, sang trọng với đôi chân thon và rắn chắc đến khó tin. Caspi cũng được đánh giá là giống ngựa thông minh, lanh lợi, hiền lành và thường được sử dụng làm thú cưỡi cho trẻ em.