Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

''Đạo luật Taylor Swift'' và nỗ lực ngăn chặn nạn vé giả

Chuyện lạ 30/04/2024 - 11:37

Các dự luật được đưa ra ở 20 tiểu bang của nước Mỹ nhằm giải quyết tình trạng bán vé giả, đầu cơ vé tại các sự kiện âm nhạc.

''Đạo luật Taylor Swift'' và nỗ lực ngăn chặn nạn vé giả - ảnh 1

Chặng tiếp theo của The Eras Tour sẽ khởi động vào tháng 5 và sự cố mua nhầm vé giả, vé có giá "trên trời" vẫn gây nhiều bàn tán. Theo The Straits Times, mới đây, các nhà lập pháp liên bang và tiểu bang nước Mỹ đẩy mạnh điều tra hoạt động lừa đảo bán vé hoặc lợi dụng người hâm mộ âm nhạc.

"Mục tiêu chính của họ là ngăn chặn những cá nhân hoặc nhóm người đầu cơ vé để đẩy giá bán lại. Đối với một số trường hợp, nhóm người này đòi hàng nghìn USD cho một vé xem nhạc, trong khi giá gốc trên web chỉ khoảng 200 USD. Hình thức mua đi bán lại giúp họ thu lợi lớn", tờ báo viết.

Nước Mỹ nỗ lực đẩy lùi tình trạng đầu cơ vé

Tháng 11/2022 là thời điểm vé xem show Taylor Swift được săn lùng rầm rộ nhất. Vì không thể cạnh tranh trực tiếp với hàng triệu người trên Ticketmaster, nhiều khán giả chấp nhận trả nghìn USD để mua vé từ thị trường chợ đen.

Đáng nói hơn, cái gọi là "vé đặc biệt" thường được quảng cáo với những cảnh báo như "chỉ còn 3-4 vé", gợi ý sai lệch cho người tiêu dùng rằng họ nên mua ngay nếu không sẽ bỏ lỡ. Thế nhưng, sau khi thanh toán, không phải ai cũng may mắn nhận được vé thật.

Đứng trước hàng loạt chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, tại Mỹ, các dự luật được đưa ra ở 20 bang nhằm giải quyết hoạt động bán vé giả, gian lận tại các sự kiện âm nhạc, theo Hội nghị Quốc gia của các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang.

Tiểu bang Maryland tuyên bố việc "cò vé" sẽ bị coi là bất hợp pháp kể từ ngày 1/7, ai vi phạm phải chịu phạt. Ở Illinois, lệnh cấm đầu cơ vé đã được Thượng viện bang thông qua. Hạ viện Colorado thông qua luật tương tự, song yêu cầu minh bạch hơn về giá cả, đồng thời cấm các trang web có thiết kế bắt chước kênh bán vé hợp pháp vì điều này đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ nghĩ mình đang mua trực tiếp từ nền tảng chính thống.

Sự ra đời của Đạo luật Taylor Swift ở tiểu bang Arizona đang gây chú ý. Luật cấm mua nhiều vé hơn mứa cho phép đối với show nhạc công cộng hoặc sự kiện khác; cấm sử dụng nhiều địa chỉ IP hoặc tài khoản email để cố gắng mua nhiều hơn mức cho phép; cấm dùng công cụ vô hiệu hóa mã bán trước, thời gian chờ đợi hoặc hàng đợi điện tử.... Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000 USD đến 100.000 USD.

''Đạo luật Taylor Swift'' và nỗ lực ngăn chặn nạn vé giả - ảnh 2

Đạo luật Taylor Swift ra đời để ngăn tình trạng đầu cơ vé, bán vé giả. Ảnh: Canberratimes.

Hôm 25/4, 250 nghệ sĩ gồm Billie Eilish, Finneas O'Connell, Green Day, Fall Out Boy... lên tiếng ủng hộ Đạo luật Người hâm mộ là trên hết, một dự luật đang chờ Thượng viện Mỹ thông qua. Quá trình phát triển của dự luật đang được tiến hành.

Luật này sẽ góp phần ngăn việc đầu cơ vé và yêu cầu định giá tất cả loại hình mua bán, đưa các trang web lừa đảo vào vòng pháp luật và tăng cường thực thi các hình phạt đối với việc sử dụng bot để lấy vé.

"Chúng tôi cùng nhau đẩy lùi hình thức bán vé mang tính trục lợi hiện nay. Những kẻ săn vé để bán lại và nền tảng thứ cấp tham gia vào hoạt động bán vé lừa đảo đã tước đi cơ hội gặp gỡ nghệ sĩ yêu thích của khán giả", các nghệ sĩ viết trong thư gửi cơ quan chính phủ.

Nền tảng bán vé vào cuộc

Theo Reuters, các nền tảng bán vé ủng hộ những thay đổi pháp lý được đề xuất.

Các công ty phát triển công nghệ bán vé, gồm Ticketmaster và SeatGeek, đã cam kết định giá trước và loại bỏ phí rác ngay từ ban đầu. Họ khẳng định sẽ cho hiển thị trước bất kỳ khoản phí bổ sung nào khi mua vé. Cam kết được đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng cách đây không lâu. Hành động này được Nhà Trắng ghi nhận là "tự nguyện và trung thực".

Ticketmaster trực thuộc công ty Live Nation Entertainment, chuyên bán vé show nhạc cho tất cả nghệ sĩ hàng đầu thế giới, cho biết họ đồng tình với các lệnh cấm bán hàng đầu cơ và trang web lừa đảo, cũng như thực thi nghiêm ngặt hơn đạo luật chống bot.

''Đạo luật Taylor Swift'' và nỗ lực ngăn chặn nạn vé giả - ảnh 3

Tình trạng đầu cơ vé cũng xảy ra đối với show nhạc của Harry Styles, Beyoncé, Bruno Mars... Ảnh: Rollingstone.

Adam Budelli - đại diện phát ngôn của công ty bán vé StubHub - nêu quan điểm tương tự, đồng thời khẳng định nếu bị phát hiện vi phạm chính sách, họ chấp nhận đối mặt các hậu quả nặng nhất, từ phạt tiền cho tới xóa sổ nền tảng. "Nếu người mua gặp sự cố, StubHub sẽ tìm một vé có giá trị tương đương hoặc giá tốt hơn để đưa cho họ, hoặc hoàn tiền đầy đủ nếu họ muốn", Budelli nói.

Trả lời truyền thông, đại diện StubHub bày tỏ sự ủng hộ Đạo luật vé đang được mang ra bàn luận ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Trong đó, dự luật của Hạ viện sẽ cấm việc bán vé đầu cơ cùng với các hoạt động khác, còn biện pháp của Thượng viện là kêu gọi định giá vé trọn gói.

Gần đây, liên minh Fix The Tix được thành lập, do Hiệp hội Địa điểm Độc lập Quốc gia (Niva) đứng đầu, nhằm thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Người hâm mộ là trên hết mà họ cho rằng sẽ mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ nhất cho người mua vé.

Ông Stephen Parker, giám đốc điều hành của Niva, nói dự luật này là "luật bán vé thân thiện với người hâm mộ và nghệ sĩ nhất mà Quốc hội từng đưa ra". "Dự luật khiến hành vi lạm dụng, săn mồi từ các nền tảng bán lại và môi giới vé trở thành bất hợp pháp", Parker kết luận.

Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.

Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng.