Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Các địa phương than lý do khó giải ngân vốn đầu tư công

Nhà đất 06/05/2024 - 02:22

Tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương gồm Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh đang thấp hơn bình quân chung cả nước do vướng mắc cơ chế chính sách.

Các địa phương than lý do khó giải ngân vốn đầu tư công - ảnh 1

Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh là 6 tỉnh đang có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước. Ảnh: Duy Hiệu.

Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm của 6 địa phương là Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân trong 3 tháng đầu năm của Bình Thuận đạt 8,77%, Gia Lai đạt 6,31%, Đồng Nai đạt 10,59%, Bình Dương đạt 11,98%, Bình Phước đạt 10,7% và Tây Ninh đạt 13,6%.

Bộ Tài chính dự kiến khả năng giải ngân 4 tháng của 6 tỉnh trên cũng không có nhiều đột phá. Cụ thể: Bình Thuận 12,88%, Gia Lai 11,37%, Đồng Nai 18,43%, Bình Dương 16,79%, Bình Phước 16,36% và Tây Ninh 18,18%.

Vướng mắc cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện

Lý giải nguyên nhân, 6 địa phương cho biết còn nhiều bất cập trong các cơ chế chính sách, cũng như trong khâu tổ chức thực hiện.

Với tỉnh Gia Lai, địa phương đang vướng ở việc xác định giá đất. Theo tỉnh này, việc xác định giá đất tại tỉnh còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều dự án bị ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới việc bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Do đó, địa phương này kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định phương pháp định giá đất bảo đảm khi được ủy quyền.

Trong khi đó, Đồng Nai gặp khó khăn về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công và thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn.

Đồng thời, địa phương này còn có vướng mắc về trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho địa phương được phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm vốn ngân sách địa phương trong năm kế hoạch.

Các địa phương than lý do khó giải ngân vốn đầu tư công - ảnh 2

Tỉnh Đồng Nai cho biết đang gặp khó khăn về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công và thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn... dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương đang triển khai một số dự án mang tính chất liên kết vùng. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công chưa có quy định trình tự thủ tục và thẩm quyền đối với dự án đầu tư công trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Theo tỉnh Bình Dương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép thí điểm chính sách một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với các dự án được quy định tại Nghị quyết này.

Tuy nhiên, các dự án do tỉnh Bình Dương đang triển khai lại không nằm trong quy định này. Do đó, việc đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn 2 tỉnh từ nguồn vốn đầu tư công chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ.

Tỉnh đề nghị các bộ, cơ quan liên quan sớm hướng dẫn việc đầu tư các dự án trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh ngoài các dự án theo Nghị quyết số 106/2023/QH15.

Sớm phân bổ vốn chi tiết, tập trung các dự án trọng điểm

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 3, tại 6 địa phương này vẫn còn nhiều dự án đã được bố trí kế hoạch vốn vẫn chưa giải ngân hay số vốn giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2024).

Cụ thể, tỉnh Bình Thuận có 5 dự án, Gia Lai 17 dự án, Đồng Nai 5 dự án, Bình Dương 2 dự án, Bình Phước 4 dự án và Tây Ninh 2 dự án.

Để đạt mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2024 trên 95%, Bộ Tài chính kiến nghị lãnh đạo UBND các tỉnh và các sở, ngành liên quan ngoài việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định, cần thực hiện việc phân bổ chi tiết vốn theo đúng quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Trong đó, các địa phương rà soát thật kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải và theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân. Đặc biệt, tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng...

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị địa phương tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, các hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng khẩn trương kiểm đếm, đền bù... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính kiến nghị ngay khi nhận được kế hoạch vốn được giao cần gửi ngay đến Kho bạc Nhà nước để có cơ sở kiểm soát, thanh toán theo quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với quy định về nguyên tắc tạm ứng vốn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn kiến nghị cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức "kiểm soát trước, thanh toán sau".

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.