Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

Bước ngoặt của trùm mafia Nhật trở thành mục sư

Chính trị 09/05/2024 - 07:56

Ngón tay út bị chặt một đốt và hình xăm khắp cơ thể là những gì còn sót lại về quá khứ làm yakuza (mafia Nhật Bản) của Tatsuya Shindo. 

Bước ngoặt của trùm mafia Nhật trở thành mục sư - ảnh 1

Cuộc sống hiện tại của người đàn ông 53 tuổi đã hoàn toàn đổi khác, không còn là kẻ nghiện ngập, vi phạm pháp luật như thời còn là thành viên của một trong những tổ chức tội phạm khét tiếng nhất nước Nhật.

Tatsuya Shindo hiện là một mục sư.

Đó là một bước ngoặt kỳ diệu, khi mà xã hội Nhật Bản luôn có sự kỳ thị mạnh mẽ với những người từng nằm trong băng đảng xã hội đen. Thậm chí, nhiều nơi ở Nhật Bản vẫn treo biển cấm người có hình xăm, bởi yakuza có rất nhiều hình xăm.

Cuộc đời thứ hai

Kể với CNA, ông Shindo nhớ lại quá khứ phạm tội từ thời thiếu niên, bị nhà trường đuổi học.

Ông phải vào tù vì tội tàng trữ ma túy, từ đó tiến sâu hơn vào thế giới ngầm. Ông sớm là kẻ có số má và được một nhóm tội phạm ở Tokyo để mắt từ năm 18 tuổi.

"Trong một xã hội mà kẻ mạnh săn kẻ yếu, mạnh nhất là yakuza. Nếu anh đã là một kẻ sống ngoài vòng pháp luật, tốt hơn hết là trở thành một yakuza, nếu không thì chẳng thể tồn tại trong xã hội", ông nói về quyết định gia nhập băng nhóm tội phạm của mình.

Bước ngoặt của trùm mafia Nhật trở thành mục sư - ảnh 2 Bước ngoặt của trùm mafia Nhật trở thành mục sư - ảnh 3

Ngón út bị mất một đốt và cơ thể đầy hình xăm là những gì còn sót lại từ quá khứ làm xã hội đen của ông Shindo.

Trong 10 năm, Shindo đã leo lên vị trí phó thủ lĩnh băng đảng. Ông cũng trở thành một kẻ nghiện ngập, dùng ma túy quá liều và liên tục vào tù ra tội.

Nhưng lần ngồi tù cuối cùng đã mang đến cho trùm băng đảng này một bước ngoặt.

Trong tù, Shindo thấy những người bị kết án khác đọc Kinh thánh và nhờ vợ mang cho mình một cuốn. Ông đã thay đổi tâm trí sau khi đọc nó và trở thành một người sùng đạo.

Đã thành tâm hối cải và thay đổi trong tù, ông vẫn đối diện những khó khăn sau khi được thả: Băng đảng đã rời bỏ và ông phải che giấu quá khứ tội lỗi của mình. Dù xin được những việc lặt vặt, ông chẳng thể làm lâu khi bị phát hiện từng là yakuza.

May mắn, Shindo gặp được một ông chủ giàu lòng cảm thông.

Một ngày oi ả, Shindo đổ mồ hôi nhễ nhại. Trong lúc ông đang thay đồ thì ông chủ bước vào và nhìn thấy những hình xăm.

"Lúc đó tôi lo sợ mình sẽ bị đuổi việc mất. Nhưng sếp tôi lại nói: 'Thảo nào cậu lại làm việc chăm chỉ thế'. Tôi thấy nhẹ nhõm. Tôi quyết định sẽ luôn đối xử tốt với mọi người", ông kể.

"Nhờ có ông chủ này mà tôi có thể tiếp tục con đường lương thiện", ông nói thêm.

Buổi tối, ông Shindo theo học tại một Chủng viện, nơi ông gặp người cố vấn của mình - mục sư Yuichiro Nakano.

Năm 2005, ông đã có bước chuyển hiếm có khi từ một yakuza trở thành mục sư. Hiện tại, ông điều hành nhà thờ của riêng mình ở Saitama, cách trung tâm Tokyo nơi ông lớn lên khoảng 30 phút.

Bước ngoặt của trùm mafia Nhật trở thành mục sư - ảnh 4

Ông Shindo đang là mục sư tại một nhà thờ riêng ở Saitama.

Tìm kiếm cơ hội làm lại cuộc đời cho cựu yakuza

Vào ngày tới gặp ông Shindo, phóng viên của CNA đã bắt gặp 30 người ghé qua để gặp ông Shindo và người cố vấn của ông. Nhiều người trong số đó đang sống ngoài lề xã hội - họ là người từng nghiện ma túy, tội phạm và yakuza.

Vị mục sư nói rằng giờ đây, những tội phạm này còn khó có cơ hội làm lại cuộc đời hơn so với thời ông còn là yakuza cách đây 20 năm. Họ không thể ký hợp đồng, làm thẻ tín dụng, thuê chỗ ở, vay tiền mua ôtô hay mở tài khoản ngân hàng trong 5 năm sau khi ra tù.

"Thời nay, không mở được tài khoản nghĩa là không thể xin việc. Nếu không thể nhận lương qua tài khoản, người ta sẽ biết ngay anh có vấn đề", ông giải thích.

Ông Shindo mong muốn giúp những người từng bị kết án làm lại cuộc đời. Ông thuyết giảng tại các nhà tù và cũng thuyết pháp tại các nhà thờ khác với hy vọng sẽ có nhiều người chấp nhận họ vào cộng đồng.

Có những cựu yakuza đã trở thành nhà văn, luật sư và mục sư nổi tiếng, nhưng nhìn chung người dân Nhật Bản không dễ dàng chấp nhận những người từng ngồi tù, dù họ có phải là yakuza hay không.

Bước ngoặt của trùm mafia Nhật trở thành mục sư - ảnh 5

Vị mục sư hy vọng xã hội sẽ cho những người từng có tiền án một cơ hội làm lại cuộc đời.

Nhiều nơi như nhà tắm công cộng và bể bơi vẫn cấm những người có hình xăm, vì yakuza có rất nhiều hình xăm. Thực tế này vẫn diễn ra dù cho vị thế của các băng đảng yakuza ở nhật đã suy yếu rất nhiều trong nhiều thập kỷ qua.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, từ hơn 90.000 thành viên vào 30 trước, số lượng của các băng đảng đã giảm mạnh xuống còn khoảng 22.000 vào cuối năm 2022.

Ông Shindo nhấn mạnh rằng xã hội nên cho những người có tiền án, bao gồm cả yakuza, một cơ hội để làm lại cuộc đời bởi họ đã phải đền tội ở trong tù.

"Tôi rất hạnh phúc khi từng là một kẻ bị kết án giờ đây làm được chuyện lớn lao và diễn thuyết trước đông người. Dù chỉ là một việc nhỏ thôi, tôi thực sự vui với những thứ đang làm", ông nói.

Hành động của ông Shindo đang giúp thay đổi nhận thức của một số người về yakuza, chẳng hạn mục sư Takashi Matsumura.

Ông Matsumura nói: "Tôi hơi sợ một chút. Nhưng khi đến nhà thờ của ông ấy lần đầu tiên, ông ấy ngay lập tức nói với tôi rằng: 'Này mục sư Matsumura, tôi rất vui được gặp ông. Tôi đã chờ đợi cơ hội này'. Thế là trái tim tôi tan chảy như kem. Kể từ đó, chúng tôi trở thành bạn tốt".

Nhà tội phạm học Martina Baradel của Đại học Oxford cho biết mặc dù ông Shindo có thể đã tìm được cách quay trở lại xã hội, vẫn còn nhiều việc phải làm để giúp những người có tiền án khác có thể hòa nhập.

Tiến sĩ Baradel, một thành viên toàn cầu của Marie Sklodowska-Curie có mối quan tâm nghiên cứu chính là yakuza, nói thêm rằng để khiến người Nhật thay đổi suy nghĩ về yakuza là một thách thức.

"Rất khó để tái hòa nhập nếu bạn đã từng ở tù chứ đừng nói đến việc bạn là yakuza. Vì vậy, rất nhiều nhóm tư nhân như nhóm của ông Shindo, nhiều nhóm tôn giáo, thậm chí cả những nhóm không liên quan đến tôn giáo như tổ chức từ thiện - họ có cung cấp hỗ trợ, nhưng đó luôn là những sáng kiến của tư nhân", bà nói.

Bởi vậy, tiến sĩ Baradel cho rằng nhà nước cần góp một tay để ngăn những người từng phạm tội không bị xã hội quay lưng, dẫn đến việc họ trở lại con đường xấu.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.