Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Trẻ thích nghe câu nào từ bố mẹ nhất? Kết quả từ cuộc khảo sát này sẽ khiến các bậc phụ huynh bất ngờ

Gia đình 26/01/2023 - 22:59

Có thể thấy rằng điều đứa trẻ thích nhất ở bố mẹ đó là cho con cảm giác tin tưởng hoàn toàn.

Trung tâm Nghiên cứu Thanh niên Trung Quốc từng thực hiện một cuộc khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Vân Nam, Cam Túc và Hà Nam, trong cuộc khảo sát có câu hỏi: "10 câu nói/hành động mà học sinh tiểu học và trung học thích cha mẹ mình nói/làm nhất". Kết quả khảo sát cho thấy:

"Bố/mẹ tin con" đứng đầu với tỷ lệ bình chọn cao lên đến 63,5%. Tiếp theo là "Nói lời giữ lời" (49,2%); Cho con tham gia bình đẳng vào cuộc sống gia đình (31,7%); Thảo luận về các sự kiện trong cuộc sống với con cái (23,3%).

Có thể thấy rằng điều đứa trẻ thích nhất ở bố mẹ đó là cho con cảm giác tin tưởng hoàn toàn. Nếu chúng ta không tin con, thường nói những câu như "Con đừng nói dối mẹ", "Làm sao có thể khiến bố/mẹ tin con", và nhìn con bằng những ánh mắt nghi ngờ, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng, sự tự tin và lòng tự trọng nhất định bị tổn thương.

Trẻ thích nghe câu nào từ bố mẹ nhất? Kết quả từ cuộc khảo sát này sẽ khiến các bậc phụ huynh bất ngờ - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Ngược lại, nếu được bố mẹ tin tưởng thì đứa trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Điều này không chỉ kích thích động lực và nhiệt huyết của trẻ để tiếp tục tiến về phía trước mà còn làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên hài hòa hơn, việc giáo dục trẻ đạt được kết quả tốt hơn.

Để làm được điều này, cha mẹ nên:

1. Đừng nghi ngờ trẻ vô cớ

Bạn có từng thấy trường hợp này: Hai anh chị em chơi với nhau, đứa nhỏ bỗng dưng òa khóc. Bố/mẹ sẽ ngay lập tức chạy đến, mắng đứa lớn, dù đôi khi đứa nhỏ chỉ là vô tình té ngã.  Chúng ta luôn thích nghĩ xấu về con mình, khi có chuyện gì là nghĩ ngay con sai, tùy tiện đưa ra kết luận, thậm chí mất kiểm soát cảm xúc mà trừng phạt con. Cách xử lý này sẽ khiến trẻ cảm thấy cha mẹ hoàn toàn không tin tưởng mình, gây tổn thương cho tâm hồn trẻ.

Giáo dục con nên dựa trên sự thật. Nếu chúng ta không nhìn thấy những gì đã xảy ra, đừng nghi ngờ trẻ vô cớ. Ngay cả khi đứa trẻ thực sự làm sai, bố mẹ cũng nên có thái độ tin tưởng để giáo dục con, điều này sẽ giúp trẻ nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình.

2. Luôn nói "con có thể làm được"

Trên thực tế, bí quyết giáo dục con cái nằm ở chỗ cha mẹ có niềm tin vững chắc rằng con mình có thể làm được. Chính sự tin tưởng và khẳng định của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy có một "hậu phương" mạnh mẽ đứng sau ủng hộ mình, thúc đẩy trẻ làm tốt hơn.

Tất nhiên, chúng ta không thể cứ luôn luôn nói "con làm được" mà phải căn cứ vào tình hình thực tế và sự việc cụ thể của trẻ. Nếu phóng đại khả năng thực tế của trẻ và khuyến khích một cách bất chấp thì chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng tâm lý của trẻ. Chỉ khi nhận định con có khả năng làm được điều gì, chúng ta phải nói với con rằng: "Bố mẹ tin con, con sẽ làm được!".

3. Niềm tin không chỉ là lời nói

Đôi khi, một số cha mẹ thường nói với con rằng "mẹ tin con" nhưng khi gặp vấn đề cụ thể lại bắt đầu thắc mắc, nghi ngờ nên con cái sẽ không thể có được cảm giác tin tưởng hoàn toàn.  Tin con không chỉ là lời nói mà phải thể hiện bằng hành động.

Một phụ huynh kể câu chuyện: Một hôm, chị đang múc cháo trong bếp, đứa con trai 6 tuổi chạy đến nói: "Mẹ ơi, để con bê cháo cho mẹ". Người mẹ nói: "Mẹ tin tưởng con làm được, nhưng con còn nhỏ, lớn lên rồi hãy làm nhé". Khuôn mặt nhỏ nhắn của cậu con trai lập tức sa sầm.

Sau khi suy nghĩ, người mẹ quyết định thay đổi cách trò chuyện. Chị nói: "Vậy là cậu con trai nhỏ của mẹ đã lớn rồi, mẹ tin rằng con sẽ làm được". Để con trai bê dễ dàng hơn, người mẹ cố tình chỉ múc nửa bát cháo... Khi con đã dần cầm được vững vàng thì múc đầy một bát.

Để trẻ bắt đầu với việc dễ nhất trước, sau đó tăng dần độ khó cho đến khi trẻ có thể làm tốt. Cách làm của mẹ này rất đáng học hỏi.

Miễn là chúng ta tiếp tục tin con, đứa trẻ sẽ nghĩ "Mình được tin tưởng" và "Mình được công nhận" từ tận đáy lòng, điều này cũng có thể nâng cao sự nhiệt tình làm việc và rèn luyện khả năng làm việc của trẻ.