Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Trào lưu không chi tiêu hoang phí, thắt lưng buộc bụng của giới trẻ Mỹ

Kinh tế 22/03/2023 - 03:35

Thay vì chi tiêu hoang phí, giới trẻ Mỹ đang chạy theo thử thách không chi tiêu, cố gắng tiết kiệm tiền và xây dựng ngân sách tài chính cá nhân.

Theo CNBC, “No-spend Challenge” (thử thách không chi tiêu - PV) đang trở thành trào lưu mới của giới trẻ Mỹ kể từ đầu năm 2023. Thử thách này yêu cầu người tham gia không chi tiêu cho những thứ không cần thiết, ngoại trừ những khoản chi thiết yếu và hóa đơn phải trả.

Người tham gia sẽ theo dõi tiến trình trên lịch, cố gắng hoàn thành càng nhiều ngày không tiêu tiền càng tốt. Với mỗi ngày thành công, người tham gia có thể cập nhật lên mạng xã hội để nhận được nhiều bình luận khen ngợi và cổ vũ.

Ăn uống bên ngoài hay mua đồ mang đi, mua quần áo hoặc mặt hàng không cần thiết, sử dụng các dịch vụ không thiết yếu như cắt tóc, thẩm mỹ là một số hoạt động bị cấm khi tham gia thử thách.

Trào lưu này đã thúc đẩy giới trẻ thay đổi lối sống một cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu tài chính của riêng mình dù là trả nợ hay tiết kiệm.

Số tiền tiết kiệm được từ thử thách đem lại lợi ích nhiều nhất khi được gửi vào một tài khoản tiết kiệm riêng có lãi suất cao.

Trào lưu không chi tiêu hoang phí, thắt lưng buộc bụng của giới trẻ Mỹ - ảnh 1

Nhiều người trẻ Mỹ quyết tâm không ăn hàng, mua quần áo hay đi thẩm mỹ để tiết kiệm tiền. Ảnh: Glamour.

Kendall Meade, nhà lập kế hoạch tài chính tại ứng dụng quản lý tài chính SoFi, cho biết xu hướng không chi tiêu giúp mọi người xây dựng ngân sách tốt hơn. Sau khi trải qua khoảng thời gian không tiêu xài hoang phí, người tham gia sẽ nhận ra đã chi tiêu nhiều khoản cần thiết hay không thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống. Đây là yếu tố giúp họ xác định các khoản chi tiêu có thể cắt bỏ trong tương lai.

Mặc dù trào lưu không chi tiêu có thể giúp người chơi tiết kiệm được nhiều hơn giai đoạn ban đầu, nhưng xét trong khoảng thời gian dài, Meade lo ngại thử thách có thể gây tác dụng ngược. Bà cho rằng sau một thời gian cắt giảm ngân sách, chúng ta thường có suy nghĩ tự thưởng cho bản thân hoặc mua sắm trả thù. Suy nghĩ này thôi thúc chi tiêu nhiều hơn bình thường cho các sản phẩm, dịch vụ mà trước đó bị cấm. Tình trạng này đôi khi khiến thành quả gây dựng từ đầu bị xóa bỏ.

Thay vào đó, chuyên gia quản lý tài chính cá nhân gợi ý mọi người nên sử dụng phong trào này như một lời nhắc về thói quen chi tiêu. “Cách tốt nhất cho mọi người là tạo ra những thay đổi nhỏ và bền vững”, Meade nhận định.

Cắt bỏ hoàn toàn chi tiêu không cần thiết có thể hiệu quả trong một thời gian, nhưng nó không có tính bền vững. Thay vì tập trung thay đổi và cắt bỏ mọi thứ cùng lúc, hãy tập trung vào những thay đổi nhỏ. Điều này khiến mọi người có khả năng tạo nên thói quen chi tiêu hợp lý trong lâu dài.

Một tháng đủ dài để thấy công việc được đền đáp (hóa đơn thẻ tín dụng thấp hơn, nhiều tiền hơn trong ngân hàng) và cũng đủ ngắn để không quá tải.

Nếu cảm thấy quá dài, hãy rút ngắn nó lại. Bạn có thể thử Tuần không chi tiêu, Cuối tuần không chi tiêu hoặc danh mục không chi tiêu cụ thể, chẳng hạn như quần áo, rượu hoặc đi ăn ngoài, bất kỳ danh mục nào trong số này là điểm yếu đối với người tham gia. Nếu thực sự nghiêm túc với thử thách, bạn có thể kéo dài lên hai tháng, 6 tháng hoặc một năm.

Meade gợi ý công thức 50/30/20 cho những người mới lập kế hoạch ngân sách. Quy tắc này chia nhỏ thu nhập của bạn thành 3 nhóm chính, với 50% thu nhập dành cho các nhu cầu thiết yếu như tiền thuê nhà, chi phí đi lại và các chi phí định kỳ khác; khoảng 30% cho chi tiêu cá nhân và 20% còn lại dùng để tiết kiệm và đầu tư.

Tỷ lệ phần trăm của ngân sách có thể điều chỉnh dựa trên lối sống và ưu tiên tài chính của mỗi người. Công thức này không phải con số chính xác cho mọi người. Một số có thể cần thêm nhiều hơn cho các chi phí thiết yếu, đặc biệt là ở những khu vực có chi phí sinh hoạt cao.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...