Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Thời huy hoàng của Đức, Nhật đã qua: Năm 2030 nước châu Á này sẽ vươn lên thứ 3 thế giới

Kinh tế 02/12/2022 - 20:02

Theo nhận định của S&P và Morgan Stanley, Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Điều này dựa trên dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ sẽ tăng trưởng trung bình 6,3%/năm cho đến năm 2030.

Tương tự, Morgan Stanley ước tính GDP của Ấn Độ có thể tăng hơn gấp đôi so với mức hiện tại vào năm 2031.

Các hoạt động đầu tư mạnh vào sản xuất, nhiều vốn đầu tư nước ngoài, quá trình chuyển đổi năng lượng phát triển và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến chính là điều kiện khiến Ấn Độ hoàn toàn có thể "bùng nổ" kinh tế trong tương lai, theo báo cáo của Ridham Desai và Girish Acchipalia - hai nhà phân tích hàng đầu của Morgan Stanley.

"Trước khi thập kỷ này kết thúc, kinh tế và thị trường chứng khoán Ấn Độ sẽ vươn lên top3 toàn cầu".

Quốc gia này vừa công bố mức tăng trưởng quý ba là 6,3%, cao hơn một chút so với mức dự báo của Reuters là 6,2%.

Trước đó, quý II vừa qua, Ấn Độ cũng ghi nhận mức tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự gia tăng nhu cầu của người dân đối với hoạt động dịch vụ nội địa.

Quốc gia này cũng đạt mức tăng trưởng kỷ lục 20,1% trong quý 2 năm ngoái, theo dữ liệu của Refinitiv. Ấn Độ cũng đang thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, cải cách thị trường lao động, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực quốc gia.

Kỳ vọng vươn xa vào năm 2030 hoàn toàn hợp lý vì Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng và thu nhập bình quân của thế giới, nhà kinh tế học Dhiraj Nim nói. Ông cũng cho biết, chính phủ đã thực thi rất nhiều cải cách để phát triển đất nước.

Trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu

Theo các nhà phân tích của S&P, chính phủ Ấn Độ đã đề ra hai trọng tâm trong đường lối phát triển. Một là trở thành quốc gia trọng tâm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hai là trở thành một cường quốc chuyên sản xuất hàng đầu. Để thực hiện, Ấn Độ đã phát động chương trình "thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu" (PLIS).

PLIS ra mắt năm 2020. Thông qua chương trình này, Ấn Độ đã giảm thuế và cấp giấy phép kinh doanh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ đặt kỳ vọng rất lớn vào chương trình này. Họ cho rằng PLIS có thể giúp Ấn Độ xuất khẩu nhiều hơn, mở rộng thị trường và liên kết với nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thời huy hoàng của Đức, Nhật đã qua: Năm 2030 nước châu Á này sẽ vươn lên thứ 3 thế giới - ảnh 1

Ảnh: Getty

Tương tự như vậy, Morgan Stanley ước tính tỷ trọng GDP của ngành sản xuất Ấn Độ sẽ "tăng từ 15,6% lên 21% vào năm 2031". Điều này ngụ ý doanh thu sản xuất của quốc gia này có thể tăng gấp ba lần, từ mức 447 tỷ USD hiện tại lên khoảng 1.490 tỷ USD.

Nhiều công ty đa quốc gia đang tích cực chọn Ấn Độ làm điểm đến đầu tư. Hiện chính phủ đang khuyến khích các các nhà đầu tư rót vốn theo hai hình thức: xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp đất cho nhà máy.

Ấn Độ có rất nhiều yếu tố "vàng" để các bên rót vốn xây dựng trung tâm sản xuất. Ví dụ đông lực lượng lao động giá rẻ, chi phí sản xuất thấp, luôn chào đón giới đầu tư, có chính sách thân thiện với doanh nghiệp và dân số trẻ có xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ, theo Sumedha Dasgupta, nhà phân tích hàng đầu của Economist Intelligence Unit.

Các yếu tố rủi ro

Hiện nay, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài. Kinh tế Ấn Độ lại phụ thuộc nhiều vào thương mại với gần 20% sản lượng được xuất khẩu. Vì vậy, dù là điểm đến kinh doanh lý tưởng nhưng Ấn Độ vẫn tồn tại nhiều bất cấp.

Các yếu tố rủi ro khác cũng được ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ chỉ ra, bao gồm lao động có tay nghề cao còn hạn chế, nhiều sự kiện địa chính trị bất lợi và có thể có những chính sách chưa thực sự thỏa đáng trong tương lai.

Cập nhật mới nhất vào thứ 5 tuần trước, bộ tài chính Ấn Độ cũng cho biết sự suy giảm kinh tế toàn cầu có thể làm giảm triển vọng kinh doanh xuất khẩu của Ấn Độ.

Sonal Varma, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Nomura nói rằng mặc dù tổng GDP của Ấn Độ đã cao hơn 8% so với mức trước đại dịch nhưng tăng trưởng trong tương lai có thể "yếu hơn" so với các quý trước.

Tương tự, ông Nim cũng cho rằng trước tình hình kinh tế khó khăn sau đại dịch, lực lượng lao động nữ tại Ấn Độ giảm thì nhiều nhà đầu tư có thể sẽ ưu tiên vốn cho dự án "vì cộng đồng" thông qua giáo dục và y tế hơn là dự án sản xuất.

Tham khảo: CNBC