Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Thế hệ chuộng hàng nhái

Đời sống 26/03/2023 - 21:23

Khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhiều người trẻ chuyển sang sử dụng bản dupe hoặc hàng giả của thương hiệu xa xỉ để vẫn có thể diện đồ đẹp và bắt kịp xu hướng.

Thế hệ chuộng hàng nhái - ảnh 1

Khi khả năng tài chính chưa dư dả, không ít người trẻ chọn mua hàng giả hoặc bản dupe để tiết kiệm hơn. Ảnh: Glamour.

Khi lướt mạng, Melissa Boufounos (33 tuổi, sống ở Ottawa, Mỹ) bắt gặp bài đăng của một influencer thời trang. Trong đó, cô đề cập đến chiếc quần trông giống da thuộc, được kết hợp với áo yếm mỏng để tạo nên vẻ ngoài năng động.

Người có ảnh hưởng này khẳng định chúng là bản dupe hoàn hảo - viết tắt của từ "duplicate" - của một item đắt tiền hơn nhiều.

Vì vậy, Boufounos đã truy cập vào cửa hàng trực tuyến và mua toàn bộ trang phục được gợi ý. Cô cũng cho rằng sự chứng thực của ngôi sao mạng xã hội là đáng tin cậy.

Tuy nhiên, khi mở gói hàng, Boufounos mới phát hiện chiếc quần khá mỏng, đường may tệ, chất lượng nhìn chung kém.

“Nó có mùi hóa chất cay nồng. Mặc dù đã đặt hàng theo kích cỡ của người bán, cả bộ đồ cũng rất nhỏ và tôi thậm chí không thể thò chân vào thắt lưng”, Boufounos nói.

Thế hệ chuộng hàng nhái - ảnh 2

Nhiều người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật và đồ giả trên thị trường. Ảnh: Korea Times.

Khi cố gắng trả hàng, Boufounos mới nhận ra chi phí vận chuyển là 35 USD - xấp xỉ số tiền cô bỏ ra để mua chúng.

Những sản phẩm như vậy từng được gọi là hàng nhái và bày bán tràn lan trên Canal Street, theo Washington Post. Nhưng hiện tại chúng trở thành item được thế hệ MZ (Millenials và Gen Z) yêu thích, với phiên bản rẻ hơn của các thương hiệu thời trang và làm đẹp.

Với thiết kế gần giống như đồ chính hãng, người mặc có thể khiến ai đó tin rằng họ đang diện hàng hiệu.

Hàng nhái tràn lan

Thực tế, bản dupe thường được dùng để chỉ các mặt hàng mang lại trải nghiệm tương tự với bản gốc đắt đỏ nhưng giá “mềm” hơn. Nó khác một chút so với hàng giả về giá trị sử dụng và tính hợp pháp.

Các video về sản phẩm sao chép đã trở nên phổ biến trên mạng với sự quảng bá rầm rộ của KOL.

Chẳng hạn, nhiều người có ảnh hưởng đã quảng cáo cho bản dupe của chiếc váy dự tiệc mà Hailey Bieber từng mặc hoặc áo khoác Alexander McQueen màu đỏ của Kate Middleton.

Hàng giả đã xuất hiện từ lâu, nhưng nó được biết đến rộng rãi vào năm 1986, khi tờ New York Times đưa tin về “một sự kiện làm rung chuyển ngành công nghiệp nước hoa trị giá 3 tỷ USD một năm khi các mặt hàng có vẻ ngoài gần giống bản gốc của nhà thiết kế nhưng chi phí chỉ bằng một phần nhỏ phát triển”.

Thế hệ chuộng hàng nhái - ảnh 3

Không chỉ quần áo, nước hoa, phụ kiện cũng có nguy cơ bị nhái lại cao. Ảnh: Pexels.

Mặc dù không tái tạo hoàn hảo mùi hương ban đầu, chúng cũng có bao bì và tên gọi khiến khách hàng dễ nhầm lẫn.

Ví dụ, hàng nhái của thương hiệu Giorgio Armani có tên là Primo và Juliano.

Một năm sau, tờ Texas Monthly đã đưa tin Victor Costa, được mệnh danh là “ông hoàng đạo nhái của thời trang”, hoàn thiện bản sao với giá bán chỉ 300 USD trong khi bản gốc phải bỏ ra từ 5.000 USD đến 15.000 USD.

Đây là tiền thân của nhà bán lẻ Shein. Còn Wall Street Journal thì ghi nhận về một “bữa tiệc ví” vào năm 2004, nơi hàng giả của Louis Vuitton và Kate Spade có giá 40 USD mỗi chiếc.

Tiết kiệm hơn khi mua bản dupe

“Vì không có nhiều tiền, tôi luôn tìm kiếm những lựa chọn thay thế rẻ hơn để theo kịp xu hướng”, Denise Duran (26 tuổi, sống ở Houston) nói.

Trên kênh TikTok có 78.000 người theo dõi, cô thường “đập hộp” những thứ mua được, bao gồm dép Ugg, lược chải tóc Dyson, quần áo Skims, thương hiệu của Kim Kardashian.

Denise còn giới thiệu thương hiệu Lululemon để kiếm tiền hoa hồng qua lượt mua trên Amazon.

Theo Denise, việc sử dụng bản dupe sẽ dân chủ hóa thời trang, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và các mối quan tâm kinh tế khác đối với giới trẻ.

“Ngày nay, không ai có đủ khả năng để mua một bộ áo liền quần trị giá 100 USD từ Aritzia. Tất cả chúng ta đều muốn trông thật phong cách, nhưng nhiều người không thể trả tiền cho điều đó”, cô nói.

Theo báo cáo của Vox vào năm 2021, Shein có thể sao chép một kiểu dáng và đưa nó vào sản xuất trong vòng chưa đầy một tuần.

AliExpress cung cấp hàng chục lựa chọn giá cả phải chăng cho đôi giày đỏ MSCHF gây sốt (350 USD) được ra mắt với số lượng hạn chế vào tháng trước.

Nhưng định nghĩa của "dupe" cũng không hoàn toàn chính xác khi các khái niệm vẫn khá mơ hồ.

“Tôi nghĩ ‘dupe’ có thể hiểu là hàng nhái, nhưng cũng không phải. Có thể có các hình phạt pháp lý đối với những công ty sao chép thiết kế đã được đăng ký nhãn hiệu hoặc bằng sáng chế, nhưng luật thời trang thì không rõ ràng”, Peggy E. Chaudhry, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh của Đại học Villanova, nhận định.

Thế hệ chuộng hàng nhái - ảnh 4

Ngày nay, với một "cú click" người tiêu dùng đã có thể nhận hàng hóa tận nhà, nhưng chất lượng và nguồn gốc thì không được đảm bảo. Ảnh: People.

Trong một bài báo nghiên cứu năm 2022, Chaudhry đã vạch ra một số trường hợp người nổi tiếng quảng bá hàng giả 100%.

“Nhìn chung, người tiêu dùng sẽ không nghĩ nhiều khi mua sắm hay phân biệt giữa bản dupe và hàng nhái”.

Bất cứ khi nào Duran đăng video, cô đều đưa ra tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng các sản phẩm chỉ giống với phiên bản của nhãn hàng chứ không phải đồ giả.

Kimberley Gordon (40 tuổi), nhà sáng lập Selkie, hy vọng người mua nên xem xét lý do những chiếc váy nhái có giá thấp tới 13 USD.

“Những công nhân may chỉ kiếm được vài xu cho mỗi bộ, còn nhà sản xuất sử dụng polyester để làm ra chúng. Thật kinh khủng khi bạn dành thời gian và nỗ lực để sáng tạo một thứ gì đó rồi thấy nó bị sao chép ra hàng nghìn bản theo cách không mong muốn”, Kimberley bày tỏ.

Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước

Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Nói với Zing, Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.