Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Soi các dự báo room tín dụng được phân bổ cho các ngân hàng

Kinh tế 30/01/2023 - 01:31

Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước năm nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, nhưng chưa tiết lộ room phân bổ cho từng ngân hàng.

Nhà băng nào sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao

Dù chưa công bố chính thức room tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023, song tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành giữa tháng 1/2023, NHNN cho biết sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Soi các dự báo room tín dụng được phân bổ cho các ngân hàng - ảnh 1

 

Trong đó, căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường...

NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2023 của Vietcombank (VCB) đạt 17% nhờ tham gia mua lại và tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém và sức khoẻ tài chính nội tại của ngân hàng. Theo Yuanta, Vietcombank đang chuyển dần mô hình tập trung nhiều hơn cho vay bán lẻ, điều này có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận cho ngân hàng.

Tính đến quý III/2022, tín dụng ngân hàng VCB tăng trưởng 17,6%. Cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME chiếm 52,9% trong tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay khối khách hàng doanh nghiệp quy mô lớn chiếm 47,1%.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng động lực tăng trưởng chính lợi nhuận năm 2023 của ngân hàng là giảm trích lập dự phòng.

Cụ thể, Yuanta dự báo dự phòng năm 2023 của ngân hàng có thể sẽ giảm so với cùng kỳ nhờ có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL) thấp với 0,8% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao đạt 402% cuối quý III, từ đó làm tăng lợi nhuận. Do đó, Yuanta giảm dự báo dự phòng so với trước đó còn 10.000 tỷ đồng (giảm 10%) cho năm 2023.

Trong nửa đầu năm 2023, Yuanta nhận định tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của toàn ngành có thể giảm nhẹ trong bối cảnh chi phí huy động vốn tăng cao, đồng thời cũng kỳ vọng lãi suất sẽ hạ nhiệt trong 6 tháng cuối năm.

Tính cả năm, tỷ lệ NIM của toàn ngành có thể sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Yuanta cho rằng, tác động đối với NIM của VCB sẽ thấp hơn so với các tổ chức trong ngành ngành do có lợi thế về chi phí huy động vốn (tỷ lệ CASA - tiền gửi không kỳ hạn cao). Ngoài ra, việc ngân hàng đang chuyển hướng sang ngân hàng bán lẻ cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng tỷ lệ NIM của ngân hàng. Các chuyên gia dự báo tỷ lệ NIM của VCB sẽ đạt 3,67% trong năm 2023. 

Trong khi đó, Chứng khoán VnDirect cho rằng, NHNN sẽ ưu tiên cấp room tín dụng cao hơn cho các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Cụ thể, 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gồm VPBank, MBBank, HDBank và Vietcombank, sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, qua đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022 do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm; Quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.

Theo VDSC, phân bổ hạn mức tín dụng theo mục tiêu sẽ tạo lợi thế cho một số ngân hàng trong khi hạn chế cơ hội tăng trưởng của các ngân hàng khác. Tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau: Hỗ trợ ngân hàng 0 đồng; Hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay.

Có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro; chất lượng thanh khoản của các ngân hàng thương mại sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành. Theo đó, VDSC cũng nhận định, Vietcombank, MB, VPBank, HDBank có thể sẽ là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng cao so với bình quân ngành.

Với Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, NHNN cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 vào khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%.

Kiểm soát chặt tín dụng ở những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Theo số liệu của NHNN, tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021. Con số này thấp hơn định hướng tăng trưởng tín dụng 15,5 - 16% mới được điều chỉnh vào đầu tháng 12/2022.

Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc Tú cho biết, trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Trong đó, việc điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Tín dụng được hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.

Năm 2023, các TCTD kỳ vọng tín dụng tăng 13,7%, huy động vốn tăng 10%. Trên 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận năm nay tiếp tục tăng trưởng dương, theo kết quả khảo sát của NHNN vừa được công bố.

Cụ thể, theo đánh giá của các nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý IV/2022 và năm 2022 tiếp tục cải thiện, nhưng chưa đạt được mức kỳ vọng, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện rõ nét nhất, đặc biệt là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

Đồng thời, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý I/2023, nhưng tốc độ tăng chậm lại trong năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Về huy động vốn, các TCTD kỳ vọng huy động vốn quý I/2023 sẽ tăng bình quân 2,9% và trong năm 2023 sẽ tăng 10%, mức tăng này khiêm tốn hơn kỳ điều tra trước đó.

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Trên thị trường cũng xuất hiện một số thông tin cho rằng, nhiều khả năng NHNN sẽ cấp thêm hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay trong tháng 1 này. Cụ thể, các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng khoảng 10-12% tùy theo sức khỏe mỗi ngân hàng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua Đại hội cổ đông vào tháng 4 hàng năm. Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh một số quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN.

Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất, lạm phát bị đẩy lên cao. Theo đó, mức trần tín dụng áp cho các tổ chức tín dụng bình quân là khoảng 13 - 14%, căn cứ vào tình hình lãi suất huy động vốn, dư nợ cho vay của năm trước, tỷ lệ nợ xấu, năng lực quản trị điều hành...

Hàng năm, NHNN thường xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu quý đầu năm, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành. Nhưng trong thời gian gần đây, việc phân bổ room tín dụng xuống ngân hàng thường ít công bố cụ thể như trước. 

Tác giả: Vân Linh