Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Politico: Thụy Sĩ đang tìm cách ''lách'' luật trung lập để tái xuất vũ khí sang Ukraine

Thế giới 04/02/2023 - 17:14

Chính phủ Thụy Sĩ đang tìm cách "lách" luật trung lập để cho phép tái xuất vũ khí từ các đối tác châu Âu sang Ukraine.

Politico: Thụy Sĩ đang tìm cách ''lách'' luật trung lập để tái xuất vũ khí sang Ukraine - ảnh 1

Thụy Sĩ đã trung lập trong gần 5 thế kỷ, được luật pháp quốc tế công nhận là một quốc gia không liên kết kể từ năm 1815. Ảnh: AFP/Getty Images

Các nhà lập pháp Thụy Sĩ đang cân nhắc lại ý nghĩa của quy chế trung lập trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, mặc dù sự thay đổi nếu có sẽ là muộn đối với Kiev.

Theo tờ Politico, ở Bern, việc viện trợ vũ khí không chỉ phụ thuộc vào quyết định chính trị từ cấp trên mà còn phụ thuộc vào các vấn đề pháp lý và cam kết thế tục về tính trung lập.

Là một quốc gia nhỏ bao quanh là các cường quốc, tính trung lập đã đi vào lịch sử của Thụy Sĩ: Quốc gia miền núi này đã trung lập trong gần 5 thế kỷ, đồng thời được luật pháp quốc tế công nhận là một quốc gia không liên kết kể từ năm 1815.

Theo khuôn khổ pháp lý hiện hành, Thụy Sĩ không được trực tiếp giao vũ khí cho các nước tham chiến, cũng như không được cho phép một quốc gia khách hàng của mình tái xuất vũ khí sang nước có xung đột quốc tế. Vì vậy, chính phủ Thụy Sĩ sẽ cần phải trực tiếp phê duyệt bất kỳ thỏa thuận cung cấp vũ khí nào cho Ukraine.

Politico: Thụy Sĩ đang tìm cách ''lách'' luật trung lập để tái xuất vũ khí sang Ukraine - ảnh 2

Quân nhân Ukraine chất đạn dược lên xe chiến đấu bộ binh vào ngày 23/1/2023. Ảnh: Reuters

Trong số những người thúc đẩy thay đổi tính trung lập có chính trị gia tự do Thierry Burkart. Đề xuất giải phóng xuất khẩu vũ khí của ông Burkart theo kế hoạch được đưa ra tranh luận tại Quốc hội Thụy Sĩ trong ngày 3/2. “Chúng tôi trung lập và sẽ vẫn như vậy, nhưng trong tình hình hiện tại, như thế có nghĩa chúng tôi đang ngăn cản các đối tác phương Tây hỗ trợ Ukraine”, ông nói với tờ Politico.

Các quan chức Ukraine cũng đã thúc giục chính phủ Thụy Sĩ xem xét lại lập trường của mình. “Tôi yêu cầu Thụy Sĩ cung cấp vũ khí phòng thủ để bảo vệ cuộc sống của người dân" - Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko kêu gọi vào tháng trước - “Khi nói đến nhân quyền, sự sống và cái chết, chiến tranh và hòa bình, bạn không thể trung lập".

Các chuyên gia cho biết Bern đã chặn việc vận chuyển vũ khí và đạn dược đến Ukraine từ một số quốc gia châu Âu, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn.

Để giải quyết vấn đề đó, vào tháng 6/2022, nghị sĩ Burkart, người lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cấp tiến, đã đưa ra một đề xuất ở cấp quốc gia. Đề xuất này sẽ cho phép xuất khẩu vũ khí sang Ukraine thông qua “các quốc gia có chung các giá trị với Thụy Sĩ” mà không cần phải xin phép chính phủ ở Bern.

Theo kế hoạch ngày 3/2, Ủy ban An ninh thuộc Hội đồng Nhà nước Thụy Sỹ (Thượng viện) sẽ thảo luận về sáng kiến ​​​​của ông Burkart, một sáng kiến ​​​​có thể thu hút sự ủng hộ của các bên.

Nghị sĩ bảo thủ Werner Salzmann, Chủ tịch ủy ban, cho biết ông sẽ đồng ý với sáng kiến​​​​ nếu một số điều kiện được đáp ứng. “Luật trung lập quy định rằng các vật chất của chúng tôi không thể được chuyển trực tiếp đến các quốc gia đang có chiến tranh", ông Salzmann nhấn mạnh.

Politico: Thụy Sĩ đang tìm cách ''lách'' luật trung lập để tái xuất vũ khí sang Ukraine - ảnh 3

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko (phải) trao đổi với nghị sĩ Thụy Sĩ Damien Cottier bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Ảnh: AFP/Getty Images

Nghị sĩ Salzmann cho biết thêm, để đảm bảo điều này được tôn trọng, luật có thể được sửa đổi để cho phép tái xuất khẩu vũ khí sau 5 năm kể từ khi chúng được chuyển giao cho các nước đồng minh.

Châu Âu bị cản trở chuyển vũ khí cho Ukraine

Nhưng 5 năm là một khoảng thời gian "vĩnh cửu" trong chiến tranh, và các nước châu Âu đang sốt ruột chuyển vũ khí cho Ukraine ngay bây giờ.

Đức là một trong những nước đầu tiên bị từ chối yêu cầu do Bern không cho phép gửi đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất trong kho của Đức đến Ukraine khi Berlin chuẩn bị chuyến hàng đầu tiên hệ thống phòng không di động Gepard.

Niklas Masuhr, một nhà nghiên cứu tại Đại học Zurich cho biết, Đức không thể mua từ nơi khác. Ông nói: “Chúng ta đang nói về súng phòng không 35 mm Oerlikon, loại súng không được sản xuất ở bất kỳ nơi nào khác ở châu Âu ngoài Thụy Sĩ".

Sự phong tỏa từ luật trung lập của Thụy Sĩ đã thúc đẩy nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức mở một nhà máy sản xuất đạn dược mới, nhưng việc thiết lập sản xuất từ ​​​​đầu là một quá trình lâu dài, nhà máy mới chỉ có thể đi vào hoạt động sớm nhất từ giữa năm 2023.

Một yêu cầu của Tây Ban Nha muốn gửi hai khẩu pháo Oerlikon tới Ukraine cũng đang được chờ xử lý, và một phát ngôn viên của Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sĩ về Các vấn đề Kinh tế nói rằng điều này khó có thể được chấp thuận. Tháng 6 năm ngoái, Ban này đã từ chối yêu cầu tương tự từ Đan Mạch liên quan đến xe bọc thép do Thụy Sĩ sản xuất.

Để biện minh cho quyết định cản trở, Chính phủ Thụy Sĩ lập luận rằng theo luật pháp Thụy Sĩ, vũ khí không được xuất khẩu sang các quốc gia liên quan đến xung đột vũ trang quốc tế.

Ngoài ra, luật pháp quốc tế yêu cầu các quốc gia trung lập phải đối xử bình đẳng với tất cả các bên liên quan trong một cuộc xung đột. Do Thụy Sĩ đã tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Nga - trong đó bao gồm lệnh cấm buôn bán vũ khí - nên họ buộc phải làm điều tương tự đối với Ukraine.

Thời gian đang gấp gáp

Trong khi đó, Kiev đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công của Nga dự kiến trong mùa xuân. Sau một thời gian dài chờ đợi, Đức cuối cùng đã nhượng bộ trước áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh vào tuần trước và cùng với những nước khác cam kết gửi xe tăng tới Ukraine.

Với việc các chính trị gia Thụy Sĩ nhận thức sâu sắc rằng thời gian quá gấp gáp, họ đã đưa ra nhiều ý tưởng để phá vỡ các hạn chế tái xuất.

Trong một nỗ lực riêng, chính phủ Thụy Sĩ có thể thu hồi các điều khoản ngăn cản việc tái xuất khẩu trong các thỏa thuận với các nước thứ ba nếu vũ khí được gửi đến một khu vực xung đột mà Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lên án là vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là trường hợp cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Nhưng một quyết định nỗ như vậy chỉ có thể được ban hành sau thời hạn 6 tháng lấy ý kiến người dân.

Tuy nhiên, Quốc hội Thụy Sĩ cũng đang xem xét một sáng kiến khác nhằm mục đích khẩn trương sửa đổi luật, phê chuẩn việc tái xuất khẩu vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất sang Ukraine nếu chúng “có liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine”. Nếu được cả hai viện thông qua, sáng kiến ​​này có thể có hiệu lực ngay lập tức, mặc dù chỉ có thời hạn đến cuối năm 2025.

Politico: Thụy Sĩ đang tìm cách ''lách'' luật trung lập để tái xuất vũ khí sang Ukraine - ảnh 4

Trụ sở chính của nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall tại Duesseldorf, Đức. Ảnh: AFP/ Getty Images

François Pointet, một nhà lập pháp Đảng Xanh, đồng chủ tịch Ủy ban An ninh của Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ (Hạ viện) cho biết sáng kiến, được đặt tên là Lex Ukraine, “rất cụ thể, bởi vì chúng tôi muốn đi nhanh, vì chúng tôi muốn giúp đỡ họ”.

Ông nói rằng mặc dù đề xuất liên quan đến Liên hợp quốc sẽ giải quyết vấn đề trong tương lai, nhưng sẽ mất quá nhiều thời gian để giúp đỡ Ukraine trong thời gian ngắn. Theo các chuyên gia, quy trình lập pháp ở Thụy Sĩ trung bình mất khoảng 4 năm.

Để vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất được chuyển đến Ukraine kịp thời, hỗ trợ nước này chống lại cuộc tấn công dự kiến vào mùa xuân ​​của Nga, thì chỉ "Lex Ukraine" mới có thể cho phép Bern dỡ bỏ lệnh phong tỏa tương đối nhanh chóng.

Tuy nhiên, thật khó để đánh giá liệu nó có cơ hội được thông qua hay không, khi một số bên đã cho biết họ sẽ bỏ phiếu chống. Cả nghị sĩ Burkart và Salzmann đều nói với Politico rằng họ phản đối điều đó vì theo quan điểm của họ, điều đó sẽ vi phạm nguyên tắc trung lập của đất nước nếu vũ khí được giao trực tiếp cho một quốc gia đang có chiến tranh.

“Nếu chúng tôi giao (vũ khí) cho Ukraine, thì chúng tôi cũng phải giao cho Nga. Tôi không nghĩ việc đó có cơ hội", ông Salzmann khẳng định.

Ngay cả khi sáng kiến ​​này được thông qua, người ta ước tính thời gian sớm nhất nó có thể có hiệu lực là vào mùa hè 2023. Nhưng thời điểm đó có thể là quá muộn đối với Kiev.