Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Phát hiện hành tinh lớn bằng Trái đất nằm trong vùng có thể sinh sống

Khoa Học 15/01/2023 - 09:50

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một hành tinh có kích thước bằng khoảng 95% so với Trái đất có nhiều tiềm năng hỗ trợ sự sống.

Phát hiện hành tinh lớn bằng Trái đất nằm trong vùng có thể sinh sống - ảnh 1 Tthiên thể có tên TOI 700 e nhiều khả năng là một hành tinh đá. (Nguồn: NASA)

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hành tinh này có tên TOI 700 e, đang quay quanh một ngôi sao và có thể có nước lỏng.

Đây là hành tinh thứ tư được được phát hiện trong hệ hành tinh TOI 700 nằm cách chúng ta 100 năm ánh sáng. Các hành tinh trước đó trong hệ hành tinh này được phát hiện và đặt cho những cái tên là TOI 700 b, c và d.

Trong hệ hành tinh này có một ngôi sao mang tên TOI 700. Xung quanh TOI 700 có nhiều hành tinh, nhưng chỉ hai hành tinh TOI 700 d và e nằm trong “vùng có thể sinh sống”.

Vùng có thể sinh sống hay còn được gọi là “vùng Goldilock”, là khu vực cụ thể trong một hệ hành tinh, nằm cách ngôi sao một khoảng nhất định, đủ để nhiệt độ bề mặt hành tinh không quá nóng, hoặc quá lạnh, và nước lỏng có thể tồn tại.

Emily Gilbert, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Nam California cho biết: “Đây là một trong số ít hệ hành tinh có nhiều hành tinh nhỏ nằm trong vùng Goldilock đã được phát hiện tới nay.”

[Phát triển phương pháp mới có thể quét sâu lõi các hành tinh]

Gibert, người phụ trách hoạt động nghiên cứu về TOI 700 e cho biết hành tinh này có kích thước tương đương với Trái đất và nhỏ hơn 10 % so với hành tinh d. TOI 700 e mất 28 ngày để quay quanh ngôi sao của nó, trong khi TOI 700 d mất đến 37 ngày.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các hành tinh này trong quá trình quan sát bằng vệ tinh TESS, được thiết kế để phát hiện thêm các hành tinh và ngôi sao trong vũ trụ.

TESS (Transiting Exoplanet Survey Satellite) là một kính viễn vọng không gian, được thiết kế để tìm kiếm các hành tinh ngoài Thái dương hệ, sử dụng phương pháp vận chuyển trong một khu vực lớn hơn 400 lần so với nhiệm vụ của kính viễn vọng Kepler.

TESS được phóng lên vũ trụ vào ngày 18/4/2018 bằng một tên lửa đẩy Falcon 9. Nhiệm vụ chính của TESS là khảo sát các ngôi sao sáng nhất nằm gần Trái đất và ghi nhận sự thay đổi về độ sáng của những ngôi sao này, hình thành khi các hành tinh di chuyển qua khu vực phía trước ngôi sao. 

TESS sẽ sử dụng một loạt các camera trường rộng để thực hiện khảo sát khoảng 85% bầu trời. Với TESS, các nhà khoa học có thể nghiên cứu khối lượng, kích thước, mật độ và quỹ đạo của một nhóm lớn các hành tinh nhỏ.

TESS bắt đầu quan sát bầu trời phía Nam vào năm 2018, sau đó quay sang bầu trời phía Bắc. Năm 2020, sứ mệnh lại tập trung vào bầu trời phía Nam để quan sát thêm và phát hiện hành tinh thứ tư trong hệ thống TOI 700.

Nhiệm vụ TESS chính thức kết thúc vào năm 2020, nhưng sau đó được gia hạn và hành tinh mới được phát hiện ngay trong năm 2021.

Ben Hord, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA cho biết: “Nếu ngôi sao ở gần hơn một chút, hoặc TOI 700 e lớn hơn một chút, chúng ta đã có thể phát hiện ra nó trong năm đầu tiên của sứ mệnh TESS. Nhưng tín hiệu quá yếu, nên cần thêm một năm quan sát hoạt động di chuyển của hành tinh, mới xác định được hành tinh mới.”

Cho đến nay, TESS đã quan sát 75% bầu trời và tìm thấy 66 ngoại hành tinh mới, hoặc các thế giới khác nằm ngoài Thái dương hệ của chúng ta. TESS cũng tìm thấy khoảng 2.100 thực thể mà các nhà thiên văn học đang nghiên cứu xem chúng có phải ngoại hành tinh hay không./.

Thảo Nguyên (Vietnam+)