Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Những thân phận trên bàn cờ vương quyền

Văn hoá 22/09/2022 - 04:13

TTO - Sân khấu Sen Việt vừa giới thiệu đến khán giả vở cải lương lịch sử Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên tại rạp Hồng Liên (quận 6, TP.HCM).

Những thân phận trên bàn cờ vương quyền - ảnh 1

Nghệ sĩ Bình Tinh trong vai Tống Thị Quyên và diễn viên 17 tuổi Trọng Nhân vào vai Nguyễn Phúc Đán - Ảnh: LINH ĐOAN

Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên (chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) là kịch bản văn học của nhà văn Bích Ngân đã đoạt giải B (không có giải A) của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2021. 

Kịch bản từng được Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định dàn dựng tham gia Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2022 với tên gọi Cô thần và giành được huy chương vàng. Vở Vương quyền ra mắt tối 16-9 là bản dựng đầu tiên thể loại cải lương.

Vụ án chấn động triều Nguyễn

Vở lấy thời điểm trước lúc vua Gia Long băng hà, ông đắn đo khi chọn người kế vị là hoàng tử Đảm và hoàng tôn Đán (cháu ông - con của thái tử Cảnh). 

Trong triều cũng chia thành hai phe, người phò Đảm, người phò Đán. Vì thế vua đã cho gọi hai vị đại thần là Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng (cha của Từ Dụ thái hậu) vào bàn bạc và cuối cùng quyết định trao ngôi vương cho Đảm (tức vua Minh Mạng).

Từ đó sóng gió nổi lên khi bà thái tử phi Tống Thị Quyên (vợ thái tử Cảnh) không cam lòng vì cho rằng Đán, con trai mình, mới là dòng chính thất, phải được xứng đáng ngồi vào ngai vàng. 

Phía thái hậu Trần Thị Đang và vua Minh Mạng cũng cảm nhận được mối hiểm họa này và nguy cơ có một cuộc nội chiến giành ngôi vị. 

Trong Vương quyền, vụ án thông dâm chấn động triều Nguyễn giữa bà Tống Thị Quyên và chính con ruột của mình là Nguyễn Phước Đán (tức Nguyễn Phước Mỹ Đường) là kết cuộc của một sự sắp đặt. 

Bà Quyên đã bị xử tội dìm xuống nước cho đến chết, hai con bà bị giáng xuống làm thứ dân, con cháu phải gánh chịu số phận hết sức bi thảm...

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết hiện tại muốn tìm một kịch bản lịch sử mới thật sự rất hiếm. Vì vậy khi đọc được Vương quyền, anh vô cùng mừng rỡ. 

"Tôi thích sự gai góc, tư tưởng rất mới của kịch bản. Mặc dù tôi biết rằng dựng cho hay sẽ cực kỳ khó và dễ động chạm. Nhưng tôi tin rằng nhìn ra được cái sai lầm của người đi trước có thể là bài học giá trị để thế hệ sau rút kinh nghiệm" - Nguyên Đạt nói.

Sự lăn xả của Bình Tinh

Với vai Tống Thị Quyên, nghệ sĩ Bình Tinh đã có một thử thách mới trong một vở diễn thuần chất cải lương. Không rõ thực hư câu chuyện của chính sử nhưng Bình Tinh chia sẻ khi đọc kịch bản cô đã cảm được nỗi đau ngất trời của mẹ con bà Tống Thị Quyên: "Sự vu oan đó quả thật khủng khiếp. 

Từ lúc tập vai diễn bà Tống Thị Quyên mỗi đêm tôi đều nhìn lên trời khấn vái bà, vì tôi được biết bà bị mất xác không có nơi nào thờ. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để xin được nói thay bà nỗi oan ức mà ngàn đời sau không thể gột rửa".

Với vai diễn này, phải ghi nhận sự lăn xả của Bình Tinh. Ấn tượng nhất là đoạn nhân vật bị dìm xuống nước, Bình Tinh phải diễn trên 7, 8 cây tre to thể hiện cảnh sóng nước, cảnh thân thể bị dìm lặn hụp trong ngọn sóng dữ, ai xem cũng thót tim vì sợ nguy hiểm. 

Bản thân Bình Tinh khi tập cảnh này cũng bị bầm giập và sau mỗi cảnh không thở nổi. Chính vì những cảnh nặng như thế nên có lẽ Bình Tinh cần điều phối sức cho thật tốt để không bị ảnh hưởng làn hơi, cô cũng cần thêm thời gian để nhân vật có độ lắng, tiết chế một số động tác, cách thoại còn ảnh hưởng tuồng cổ.

Ngoài vụ án Tống Thị Quyên, Vương quyền còn là nỗi niềm của những đại thần như Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng với những nỗi đau thế sự.

Bao nhiêu cuộc tranh đoạt quyền lực trong quá khứ chưa từng sáng tỏ, bao nhiêu phận người ngậm ngùi. Xem Vương quyền để thấy không chỉ là chuyện xưa, mà bất cứ cuộc tranh đoạt nào cũng có những góc khuất cay đắng...

Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như Thoại Miêu, Kim Tử Long, Bình Tinh và các nghệ sĩ trẻ như Hoàng Quốc Thanh, Thanh Toàn...

Đặc biệt, nghệ sĩ Mỹ Vân (nguyên phó đoàn cải lương Hà Nội) cũng vào Nam tập dượt cho nhân vật bà Phận - vợ Tả quân Lê Văn Duyệt.