Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Ngành ngân hàng “ngóng” sửa đổi Luật Giao dịch điện tử

Kinh tế 04/10/2022 - 18:09

Chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đem lại “lợi ích kép” cho cả người dân và các ngân hàng thương mại, nhưng chưa thể thực hiện một cách toàn diện do vướng Luật Giao dịch điện tử.

Ngành ngân hàng “ngóng” sửa đổi Luật Giao dịch điện tử - ảnh 1
Một số ngân hàng thực hiện chuyển đổi số từ sớm như TPBank đã thu được kết quả tích cực. Ảnh: Đức Thanh

Chỉ số CASA lên đến 40 - 50%

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, hoạt động chuyển đổi số toàn ngành ngân hàng đang diễn ra rất mạnh mẽ. Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 28/9, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận định này.

“Phải nói rằng, trong quá trình chuyển đổi số, ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước và việc đi trước đó thể hiện rõ nét nhất”, ông Hùng nói.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN xếp thứ nhất về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ hai về chỉ số thể chế số, thứ tư về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.

NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng ban chỉ đạo; phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030. Kế hoạch được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm, với mục tiêu đến năm 2025, 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số...

Theo ông Hùng, các ngân hàng đã tập trung vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số, tổ chức từ rất sớm và sẵn sàng bỏ ra nguồn lực rất mạnh chi cho chuyển đổi số. “Đại dịch ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu nhưng cũng là minh chứng rất lớn cho kết quả chuyển đổi số của ngành ngân hàng”, ông Hùng cho hay.

Ông Hùng dẫn chứng, trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa. Một số ngân hàng thực hiện chuyển đổi số từ sớm như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… đã thu được kết quả tích cực, chỉ số CASA (tiền gửi không kỳ hạn) lên đến 40 - 50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn.

“Đây là tiền đề để các ngân hàng khác từng bước chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Hùng nhận định.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN), ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã thu được những thành quả rất tích cực. “Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng đạt 40% chỉ trong thời gian ngắn”, ông Dũng cho hay.

“Ngóng” sửa đổi Luật Giao dịch điện tử

Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều kết quả tích cực, song theo các chuyên gia, quá trình này cũng đang mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại.

Ngành ngân hàng “ngóng” sửa đổi Luật Giao dịch điện tử - ảnh 2Chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi; chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công. Ngành ngân hàng “ngóng” sửa đổi Luật Giao dịch điện tử - ảnh 3

- Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng” do NHNN tổ chức ngày 4/8/2022.

Từ góc nhìn của ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Phúc Dương, Phó giám đốc Khối Công nghệ thông tin và Ngân hàng điện tử HDBank cho biết, ngoài yếu tố đầu tư công nghệ, yếu tố quan trọng hơn trong chuyển đổi số là con người và quy trình. Việc số hóa các quy trình, giảm thời gian thực hiện giao dịch có thể ảnh hưởng tới các hoạt động truyền thống. Vì vậy, phải thay đổi tư duy của các nhân sự để họ nhận thức được vấn đề và hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn.

Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia lưu ý là những rủi ro như gian lận, tấn công người dùng. “Chúng tôi xác định, các ngân hàng và NHNN phải an toàn trong dịch vụ. Bên cạnh đó, người dùng phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng”, ông Lê Anh Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trong chương trình chuyển đổi số giai đoạn hiện nay, ngành ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn về hành lang pháp lý. Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, trong khi chuyển đổi số mạnh nhất là trong giai đoạn Covid-19, tức là các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị trước đó vài năm. “Như vậy, ngân hàng phải đi trước một bước. Nhưng để các ngân hàng đi trước một bước, thì không phải các ngân hàng tự làm được trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử”, ông Hùng cho hay.

Trước xu hướng chung của thế giới, NHNN đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng. Nhờ đó, trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số.

Vấn đề còn vướng hiện nay là cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ, ngành thì chưa thể triển khai. Theo ông Hùng, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng không thể sửa đổi được, nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung.