Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Giải Sách hay gợi mở xu hướng đọc

Văn hoá 22/09/2022 - 10:03

TTO - Lễ trao giải Sách hay lần thứ 10 vừa diễn ra tại TP.HCM sáng 27-9. Nhà giáo dục Giản Tư Trung - viện trưởng Viện giáo dục IRED, đơn vị tổ chức giải - trao đổi với Tuổi Trẻ nhân hành trình 10 năm khuyến đọc.

Giải Sách hay gợi mở xu hướng đọc - ảnh 1

Hội đồng chọn giải Sách hay và bạn đọc tại khán phòng lễ công bố giải sáng 27-9 - Ảnh: L.ĐIỀN

Theo ông, ấn tượng của giải Sách hay là suốt 10 mùa giải, khán phòng lễ công bố giải Sách hay vẫn luôn đầy ắp khán giả, không chỉ thu hút giới nhân sĩ trí thức tóc bạc trắng hay doanh nhân, nhà giáo, nhà báo tâm huyết mà còn đông đảo các bạn trẻ.

* Sau mười kỳ trao giải Sách hay, nếu nhìn lại từ vị trí người trong cuộc, ông có thể cho biết so với những mục đích đặt ra từ đầu có những kết quả gì ông tự thấy yên tâm và hài lòng?

- Chính nhờ sự chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ của những người quan tâm mà những cuốn sách đoạt giải đều được biết đến và nhiều người đón đọc. Đúng với mục đích ban đầu của giải Sách hay là "Góp phần lựa chọn sách hay nhằm khuyến đọc sách hay, đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ".

Chẳng hạn, như cuốn sách Khuyến học của Fukuzawa Yukichi (do Phạm Hữu Lợi dịch) được xuất bản tại Việt Nam khá sớm nhưng hầu như ít ai biết đến và tìm đọc. Tuy nhiên, khi cuốn sách này đoạt giải Sách hay 2011 và được lan tỏa rộng rãi thì từ đó đến nay đã được tái bản không biết bao nhiêu lần với số lượng phát hành kỷ lục.

Hay cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill (do GS Nguyễn Văn Trọng dịch) cũng vậy, khi cuốn sách này được trao giải Sách hay năm 2012 thì từ đó đến nay đã được tái bản gần chục lần, dù đây cũng không phải là cuốn sách dễ đọc.

Nếu có những "màng lọc" về sách như giải Sách hay thì công chúng sẽ có thêm kênh để tiếp cận những cuốn sách có giá trị. Thực hiện được điều này chính là việc mà chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.

* Ông và những đồng sự thực hiện giải Sách hay có những áp lực gì đáng kể? Có ý kiến cho rằng sách được trao giải Sách hay không phải cuốn nào cũng "dễ đọc"?

- Công việc cộng đồng luôn có những khó khăn nhất định, nhưng áp lực thì không, vì chúng tôi làm việc này với tinh thần tự do và giải Sách hay là một hoạt động văn hóa - giáo dục độc lập, phi lợi nhuận, phi chính phủ và phi tôn giáo.

Không ai có thể tác động hay can thiệp đến việc bình chọn của chúng tôi cả, miễn là những cuốn sách đề cử để bình chọn theo điều lệ giải phải là những cuốn sách được xuất bản hợp pháp tại Việt Nam sau năm 1975.

Hành trình của giải Sách hay là hành trình "khuyến đọc sách hay", do đó chúng tôi sẽ tập trung tốt nhất cho tiêu chí "sách hay" hơn là tiêu chí "sách dễ đọc".

Giải Sách hay gợi mở xu hướng đọc - ảnh 2

Nhà giáo dục Giản Tư Trung

* Theo ông, câu chuyện khuyến đọc ở xứ ta đang còn cần làm những gì thêm nữa?

- Tôi cho rằng câu chuyện khuyến đọc của xứ mình cần nhấn mạnh hơn vai trò của sách. Dẫu rằng hiện nay Internet tràn ngập thông tin và tri thức, nhưng tri thức tinh hoa vẫn chủ yếu nằm trong sách.

Nói cách khác, nếu bạn không đến với sách thì có thể sẽ mất đi một cơ hội lớn để tiếp cận "túi khôn của nhân loại" với mức phí rất rẻ. Ngoài ra, khi nền giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập thì sách hay, sách quý sẽ có vai trò tiên phong trong công cuộc chấn hưng giáo dục và khai minh xã hội.

Sách hay từ kỳ sau sẽ trao giải 2 năm 1 lần

Giải Sách hay 2020 trao cho sách viết và sách dịch ở 7 hạng mục khác nhau:

- Giải Phát hiện mới: Bộ sách khảo cứu Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn - công trình của Nguyễn Quốc Trị - được trao giải ở hạng mục này.

Năm nay cũng là lần đầu tiên qua 10 kỳ, giải Sách hay có 2 đầu sách dịch được trao ở hạng mục Phát hiện mới: Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi (tác giả: Shibusawa Eiichi, dịch giả: Nguyễn Lương Hải Khôi) và Những tìm sâu triết học (tác giả: Ludwig Wittgenstein, dịch giả: Trần Đình Thắng; Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa).

- Sách thiếu nhi: tác phẩm Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy của tác giả 13 tuổi Nguyễn Khang Thịnh và Hành trình của cá voi (tác giả: Michael Morpurgo, dịch giả: Trần Thị Minh Hiếu).

- Sách giáo dục: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản của tác giả Nguyễn Quốc Vương và sách dịch: Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng (tác giả: Fareed Zakaria, dịch giả: Châu Văn Thuận).

- Sách văn học: Tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu (gồm quyển thượng và quyển hạ) của nhà văn Trần Thùy Mai và dịch phẩm: Chết chịu (tác giả: Céline, dịch giả: Dương Tường).

- Sách quản trị: Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh của Lê Hồng Nhật và dịch phẩm: Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (tác giả: Klaus Schwab, dịch giả: Nguyễn Vân và Thành Thép).

- Sách kinh tế: Thần kỳ kinh tế Tây Đức của Tôn Thất Thông; dịch phẩm: Sự giàu và nghèo của các dân tộc (tác giả: David S. Landes, dịch giả: Sơn Phạm và Vũ Hoàng Linh).

- Sách nghiên cứu: Làng mạc ở châu thổ sông Hồng của Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski; dịch phẩm: Sự kiến tạo xã hội về thực tại (tác giả: Peter L. Berger và Thomas Luckmann, dịch giả: Trần Hữu Quang và nhóm dịch giả).

Ban tổ chức giải Sách hay nhân lễ công bố giải lần thứ X năm nay cũng thông báo từ nay Sách hay sẽ trao giải 2 năm 1 lần thay vì hằng năm như vừa qua để có thời gian tuyển chọn nhiều hơn.

"Tôi có ấn tượng đầu tiên với giải Sách hay là lần quyển Cuộc cách mạng một cọng rơm được trao giải, thấy ban tổ chức giải làm việc rất bài bản, có từng hội đồng chia nhau đọc và phân tích... thật thú vị.

Lần sau là quyển Dạy con trong hoang mang, lại có ấn tượng về thái độ của ban tổ chức: quan tâm đến tác phẩm một cách trang trọng, mời tác giả lên phát biểu khi trao giải chẳng hạn.

Và năm ngoái, quyển Đại học - định chế giáo dục cao thay đổi thế giới của Nguyễn Xuân Xanh được trao giải, tôi càng tâm đắc vì thấy giải Sách hay chú ý những vấn đề mới, khai phóng...

Nhưng có lẽ nên tìm kiếm rộng hơn từ nhiều nguồn sách hơn nữa, để giải Sách hay có được sự đa dạng.

Đinh Thị Thanh Thủy (giám đốc NXB Tổng Hợp TP.HCM)