Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Gần 2.000 tỷ đồng đầu tư đường liên vùng kết nối giữa 3 địa phương

Giao thông 26/05/2023 - 08:00

Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa-kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận nếu được đầu tư sẽ thúc đẩy hạ tầng và phát triển kinh tế liên vùng.

Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng nếu được thông qua sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy giao thương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện chủ động về cứu hộ cứu nạn tăng cường an ninh, quốc phòng cho khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Phá vỡ thế độc đạo đường tỉnh

Chiều 24/5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa-kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận (dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay-Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).

Theo đó, dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa với chiều dài 56,9km đường cấp 3 miền núi 2 làn xe, tốc độ thiết kế 60km/giờ, đoạn qua địa hình khó khăn châm chước tốc độ thiết kế 40km/giờ.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.929,882 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 121,9 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 808 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đưa ra số liệu nhu cầu sử dụng đất khoảng 128,96ha và chuyển mục đích sử dụng rừng 75,58ha (gồm 32,88ha đất rừng đặc dụng; 27,07ha đất rừng phòng hộ).  Số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 211 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11 hộ.

[Chủ trương xây đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng]

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra lộ trình chuẩn bị dự án từ năm 2022-2024; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng năm 2023-2024 và thi công xây dựng giai đoạn 2024- 2027.

Để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Nếu dự án được thông qua sẽ sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường tỉnh ĐT656 kết nối lên huyện miền núi Khánh Sơn và rút ngắn khoảng 15km từ huyện Khánh Sơn về thành phố Nha Trang, mở ra kết nối mới giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Tỉnh, giúp khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng); tạo tiền đề kêu gọi đầu tư; phát triển du lịch; tăng cường an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết...

Rút tiến độ xây dựng, gắn trách nhiệm góp vốn địa phương

Cho ý kiến thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy tán thành sự cần thiết đầu tư dự án bởi sẽ thúc đẩy hạ tầng giao thông của vùng miền địa phương của tỉnh Khánh Hòa.

Về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, ông Huy quả quyết không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái rừng, môi trường tự nhiên, môi trường sống của các loài động, thực vật và chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng.

Mặt khác, hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa có phương án trồng rừng thay thế nhưng phía Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng khuyến cáo tỉnh cân nhắc các phương án trồng rừng tối ưu để tránh phát sinh chi phí trồng rừng, dẫn đến tổng chi phí dự án tăng, kéo dài thời gian triển khai dự án.

[1.930 tỷ đồng xây tuyến đường kết nối Khánh Hòa-Ninh Thuận-Lâm Đồng]

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2027, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng với quy mô, tính chất, mặt bằng thi công, hướng tuyến và khối lượng đền bù hỗ trợ, tái định cư của dự án, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp thứ 5 và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, thì tiến độ thực hiện dự án theo Tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp.

Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian xây dựng, cân nhắc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án phù hợp với tiến độ giải ngân vốn.

Gần 2.000 tỷ đồng đầu tư đường liên vùng kết nối giữa 3 địa phương - ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa-kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Khẳng định nguồn vốn cho dự án là khả thi, theo ông Huy, đến nay do chưa đầy đủ thủ tục đầu tư nên chưa được phân bổ, giao vốn cụ thể. Mặc dù vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương cho dự án là 1.000 tỷ đồng. Do đó, nếu được Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án, đề nghị Chính phủ cân đối, đề xuất phương án bố trí phân bổ nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 cho dự án phù hợp với cơ cấu vốn và phân kỳ đầu tư.

Đối với nguồn vốn tỉnh Khánh Hòa đã cam kết bố trí 930 tỷ đồng ngân sách địa phương cho dự án, ông Huy cho rằng qua giám sát thực tế, một số dự án sau khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn, không ưu tiên bố trí vốn theo cam kết và đề nghị điều chỉnh, bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương thay thế.

Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc bố trí nguồn lực thực hiện dự án đồng thời thể hiện rõ cam kết của địa phương trong phân bổ nguồn vốn nêu trên trong Nghị quyết của Quốc hội đối với dự án.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo đề nghị của Chính phủ; bố trí vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 để triển khai dự án.

Quốc hội Cho phép dự án được thực hiện theo các cơ chế đặc thù như giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết địnhcác vấn đề phát sinh liên quan đến dự án./.

Nhóm PV (Vietnam+)