Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Doanh nghiệp đầu mối đang ‘lách luật’ bán xăng dầu vượt giá điều hành?

Kinh tế 04/10/2022 - 21:10

TTO - Doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu phản ảnh có kẽ hở trong kinh doanh xăng dầu khiến các DN đầu mối, phân phối xăng dầu dễ dàng điều chỉnh giá bán để giảm lỗ hoặc tăng lợi nhuận. Thậm chí họ có cách lách để bán vượt giá điều hành về bản chất.

Doanh nghiệp đầu mối đang ‘lách luật’ bán xăng dầu vượt giá điều hành? - ảnh 1

Một cửa hàng trong chuỗi cây xăng Bội Ngọc của ông Giang Chấn Tây - Ảnh: C.T.

Trong khi đó, nhiều giai đoạn DN bán lẻ buộc phải nhập hàng với tổng chi phí mua hàng cao hơn giá bán ra. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều cây xăng ở miền Tây đóng cửa hàng loạt.

Chiết khấu âm nhưng không có trong sổ sách

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Giang Chấn Tây, giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho biết ông rất bức xúc khi cửa hàng xăng dầu của gia đình ông tại tỉnh Trà Vinh có những thời điểm "đứt nguồn cung" mặc dù lấy hàng của Công ty CP Tập đoàn Dương Đông - một DN có thị phần lớn về xăng dầu.

Thông thường, DN bán lẻ xăng dầu nhận được chiết khấu (hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu) và được DN cung ứng "bao" luôn chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, khi thị trường bất ổn các DN cung ứng không những "bóp" lại mức chiết khấu về 0 đồng, mà còn cộng thêm cước vận chuyển.

Như vậy khi đại lý bán lẻ mua xăng về đã lỗ, cộng thêm các chi phí mặt bằng, hao tổn, điện nước, lương nhân viên... khiến cho cây xăng càng thêm lỗ.

"Chiết khấu âm nhưng thực chất sổ sách không thể hiện. DN sẽ cộng thêm tiền vận chuyển. Muốn âm 100 đồng/lít thì ghi vận chuyển 100 đồng hoặc muốn âm 300 đồng/lít thì ghi tiền vận chuyển 300 đồng/lít nhưng thực chất cây xăng không ký hợp đồng vận chuyển với DN phân phối", ông Tây nói.

Ông Giang Chấn Tây cũng cung cấp cho Tuổi Trẻ các hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện phía DN cung ứng xăng dầu đã bán xăng bằng với giá bán lẻ và lập thêm hóa đơn riêng cộng cước vận chuyển. Như vậy nếu cộng cả chi phí vận chuyển, thực chất giá bán của các DN đầu mối đã vượt giá điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính.

Cơ quan đi kiểm tra, theo ông Tây, "lẽ ra phải hỏi hợp đồng vận chuyển đâu, trước đây như thế nào mà bây giờ vận chuyển 300 đồng/lít?".

Tương tự, ông Nguyễn Anh Lèo, giám đốc Hợp tác xã xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM), cũng cho biết từ đầu năm tới nay, rất nhiều thời điểm DN cung ứng xăng dầu đưa ra mức chiết khấu 0 đồng, dẫn đến hai cây xăng của hợp tác xã này lỗ triền miên. Theo ông Lèo, cây xăng vận hành ở TP.HCM tốn rất nhiều chi phí, với mức chiết khấu 0 đồng sẽ "bắt các cây xăng chịu hết nổi luôn".

Theo ông Lèo, phía hợp tác xã này dự tính làm đơn tạm nghỉ một thời gian bởi không thể "gồng nổi" nhưng được phía Sở Công Thương động viên nên cây xăng vẫn duy trì qua giai đoạn khó khăn. Mỗi tháng, hợp tác xã này lỗ từ 100 - 200 triệu đồng/cây xăng, riêng tháng 9 vừa rồi lỗ 150 triệu đồng/cây xăng.

Bán cao hơn giá điều hành?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Cường, tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dương Đông (doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu cho công ty của ông Giang Chấn Tây), cho biết DN này đảm bảo chiết khấu cho các đại lý, song "không có chuyện chiết khấu âm". Ông Cường cho rằng "có lúc nọ bù lúc kia", phía DN đang gánh lỗ rất nhiều nhưng DN phải tuân thủ quy định Nhà nước và "không bao giờ bán quá giá bán lẻ của Nhà nước".

Liên quan việc DN đầu mối tính phí vận chuyển xăng dầu khiến cho giá bán mỗi lít xăng dầu cao hơn giá điều hành của Nhà nước, ông Cường nói: "Không hiểu lấy thông tin ở đâu nhưng bên này không có chuyện bán cao hơn giá bán lẻ", và cho biết thêm sẽ kiểm tra lại thông tin.

Lý giải thêm về việc vận chuyển xăng dầu, ông Cường cho hay sẽ tùy từng hợp đồng khi có thể DN đầu mối giao tận nơi hoặc khách hàng có xe để vận chuyển.

Tuy nhiên, khác với nội dung mà DN đầu mối phản hồi, ông Giang Chấn Tây cung cấp cho chúng tôi hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu thể hiện rõ địa chỉ giao nhận được quy định tại điều 3 là "tại cửa hàng của bên B (tức đại lý bán lẻ - PV)". Cũng theo hợp đồng này, nếu một trong hai bên phát sinh địa điểm giao nhận khác thì phải thông báo và được sự đồng ý của bên kia trước khi đặt và xác nhận đơn hàng.

Theo ông Tây, từ trước đến nay DN đầu mối giao xăng dầu tại kho của đại lý, hợp đồng cũng quy định như vậy và phía đại lý không ký thêm hợp đồng vận chuyển nào khác. Đồng thời, ông Tây cũng cung cấp hóa đơn cho thấy các thời điểm khác, phía DN đầu mối lại không tính chi phí vận chuyển để phía đại lý thanh toán.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch HĐQT một DN đầu mối xăng dầu xác nhận theo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối được quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại DN nhưng "không cao hơn giá điều hành" do cơ quan nhà nước công bố.

Do đó, vị lãnh đạo này cho rằng để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, tức các DN đã kiếm cách "lách" quy định để bán ra với giá cao hơn giá bán lẻ nhưng lại không thể hiện trong hóa đơn.

Doanh nghiệp đầu mối đang ‘lách luật’ bán xăng dầu vượt giá điều hành? - ảnh 2

Một cây xăng tại huyện Thoại Sơn, An Giang đóng cửa không rõ lý do, thời điểm cuối tháng 9-2022 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Xem lại cơ chế cho "thương nhân phân phối"

Ở góc độ DN bán lẻ xăng dầu, ông Giang Chấn Tây cho biết sở dĩ có việc chiết khấu âm bên cạnh về cách tính chi phí, điều hành vĩ mô còn tồn tại những bất cập trong quy định về các DN được quyền bán xăng dầu, tạo kẽ hở cho các DN phân phối "tác oai tác quái", tự ý nâng giảm chiết khấu tùy thích.

Ông Tây phân tích theo quy định hiện hành, bên cạnh DN đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và các đại lý, tổng đại lý, còn có dạng "thương nhân phân phối". Họ nằm ở vị trí trung gian, dễ dẫn đến tiêu cực trong tích trữ xăng dầu và dễ xảy ra lợi ích nhóm.

"Thương nhân phân phối mua được hàng từ nhiều đầu mối kể cả nhập khẩu lẫn trong nước nhưng khi bán ra lại hạn chế. Khi kiểm tra DN đầu mối thì không có hàng thật nhưng hàng sẽ nằm ở thương nhân phân phối và họ có nhiều cách để nói rằng hàng của người này, người kia đặt bởi bây giờ đặt hàng đều qua điện thoại", ông Tây nói.

Theo ông Tây, cần xem xét "hạ" thương nhân phân phối thành tổng đại lý và chỉ lấy trong cùng một hệ thống phân phối. "Lúc bình thường thương nhân phân phối không mua của Petrolimex nhưng lúc khan hàng thì họ đổ vào mua khiến Petrolimex cũng khan hàng. Đây chính là nguyên nhân góp phần làm lũng đoạn thị trường", ông Tây cho hay.

Ông Tây đề nghị khi xăng dầu chưa theo quy luật thị trường, cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với đại lý bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu.

Cây xăng nói bị "chèn ép"

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Bích Hường, chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN), cho biết thông thường DN đầu mối sẽ định mức giá giao tại cửa hàng, nếu tự vận chuyển phía đầu mối sẽ cộng thêm chi phí vận chuyển.

Hiện nay, do phía đầu mối cũng lỗ nên xảy ra tình trạng chiết khấu thấp, âm nhưng "đầu mối lỗ ít hơn phía bán lẻ do có chi phí kinh doanh định mức trong khi phía đại lý bán lẻ không được hưởng chi phí này".

Theo bà Hường, để DN bán lẻ không lấy được hàng, phía đầu mối nói rằng kho này hết hàng, muốn lấy hàng phải tự đến kho xa hơn với chiết khấu 0 đồng. Tuy nhiên, DN bán lẻ sẽ rất khó để lấy hàng khi phải có xe để chở và phải bù luôn cả chi phí vận tải.

"Ép đại lý ở chỗ đó và lách bằng việc kêu hết hàng", bà Hường nói và cho biết thêm việc không quy định phía bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu.