Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Điện ảnh liệu có giúp “chắp cánh” cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt?

Du lịch 01/06/2023 - 22:10

Hình ảnh di sản, điểm đến tuyệt đẹp của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trong các "siêu phẩm" điện ảnh quốc tế và trong nước. Điều đó được kỳ vọng trở thành bệ phóng giúp quảng bá du lịch Việt.

Mallorie Lane (du khách Pháp) ngồi dưới tán cây của một quán trà nhỏ cạnh Văn Miếu-Quốc Tử Giám, vừa nhâm nhi chén trà vừa lật giở “cẩm nang” giới thiệu về Việt Nam. Cô bảo thiên nhiên Việt Nam hùng vỹ và gây ấn tượng sâu sắc với cô từ “Kong-Skull Island” (Đảo đầu lâu). Kế hoạch chi tiết cho một chuyến đi đã được lên, song phải gián đoạn vì COVID-19.

Cho tới khi câu chuyện tình yêu lãng mạn của ngôi sao màn bạc Rachael Leigh Cook ghi dấu ấn khắp các di sản trải dài đất nước hình chữ S trong “A Tourist’s Guide to Love” ra mắt trên nền tảng phim trực tuyến Netflix hồi tháng Tư thì Mallorie không thể chần chừ thêm nữa, lập tức book vé lên đường.

Có thể nói, các di sản, điểm đến tuyệt đẹp của Việt Nam làm phông nền cho mỗi thước phim điện ảnh đã khiến những trái tim du khách như Mallorie phải thổn thức và thôi thúc bước chân. Hơn bao giờ hết, điện ảnh đang được kỳ vọng trở thành bệ phóng giúp quảng bá “vẻ đẹp bất tận” tới bạn bè quốc tế và tạo đà cho du lịch nước nhà bứt phá hậu đại dịch.

Hiệu ứng mạnh mẽ từ điện ảnh

Một điểm đến hút khách quốc tế thông qua sức hấp dẫn của tác phẩm điện ảnh không còn mới lạ. Thế nên khi “Triệu phú khu ổ chuột” giành tượng vàng Oscar, Dharavi (Ấn Độ) bỗng nhiên nổi tiếng. Bộ ba “Chúa tể của những chiếc nhẫn” cùng loạt phim về xứ sở người lùn Hobbit cũng thu hút lượng khách tăng vọt đến New Zealand. Thậm chí, “thiên đường Bali” (Indonesia) còn buộc phải giảm tải du khách sau hiệu ứng “Ăn, cầu nguyện, yêu” và “Tấm vé đến thiên đường”của siêu sao Julia Robert.

[Văn hóa giúp nâng tầm và lan tỏa giá trị thương hiệu du lịch Việt]

Đâu cần những siêu phẩm quốc tế, phim hợp tác sản xuất hay “của nhà trồng được” cũng có thể giúp quảng bá hình ảnh một Việt Nam vừa độc đáo riêng có, đậm đà bản sắc vừa bí ẩn giàu sức gọi mời.

Điện ảnh liệu có giúp “chắp cánh” cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt? - ảnh 1 Bộ phim từng là hiện tượng phòng vé ở Việt Nam - "Mắt biếc," có nhiều cảnh quay lãng mạn ở những địa danh nổi tiếng. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bước ra từ màn ảnh, thị xã Sa Đéc và ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp), bến phà ngang sông Hậu nối Vĩnh Long và Cần Thơ, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), phố cổ Hội An (Quảnh Nam), nhà thờ Đức Bà (Thành phố Hồ Chí Minh)... đã tạo ấn tượng mạnh mẽ qua những bộ phim nổi tiếng như “Người tình” (L’amant), “Đông Dương” (Indochine), “Người Mỹ trầm lặng” (The quiet American)... để rồi đưa các địa danh này thành điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình khám phá Việt Nam của du khách quốc tế.

Đáng nói, sản phẩm “nội địa” cũng giúp neo đậu trong tâm trí người xem nhiều dấu ấn, từ cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang hùng vỹ trong “Chuyện của Pao,” phố cổ Hội An trầm mặc của “Áo lụa Hà Đông,” hay “Mùa len trâu” mang đến một mùa nước nổi đặc trưng Nam Bộ…

Những bộ phim điện ảnh ấy đã vượt qua ranh giới của khuôn hình màn ảnh rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong đời sống, gây ám ảnh tâm thức, để rồi giúp ngành kinh tế xanh Phú Yên tăng trưởng từ 12-13% lên tới 30% sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.”

Lượng khách tới Huế cũng tăng vọt sau những cảnh quay lãng mạn của hiện tượng phòng vé “Mắt biếc.” Đặc biệt, bối cảnh phim “Chuyện của Pao” đã trở thành điểm tham quan không thể thiếu với du khách trên hành trình về với cực Đông của Tổ quốc - Hà Giang...

Quả thực, mỗi thế giới phim đã mở ra một cánh cửa, trao cho du khách nước nhà giấc mơ được tự mình khám phá. Hơn thế, mỗi tác phẩm điện ảnh dường như cũng chạm được vào mong mỏi trải nghiệm của khán giả thế giới, khi các đơn vị phát hành uy tín mang chúng tham gia liên hoan phim quốc tế và giành giải thưởng, qua đó những hình ảnh đẹp về Việt Nam đã thâm nhập được vào các thị trường phim ảnh lớn.

Điện ảnh liệu có giúp “chắp cánh” cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt? - ảnh 2 Ngôi sao màn bạc Rachael Leigh Cook cùng cảnh quay ở di sản Thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam. (Nguồn ảnh: Netflix)

Có tiếp cận được với khán giả, chạm tới những rung cảm trái tim thì mới có những hành trình như của Mallorie Lane. Trở lại câu chuyện với du khách Pháp này, lý do khiến tâm trí cô luôn có hình ảnh về Việt Nam, là sau khi “theo chân” Rachael Leigh Cook và nam diễn viên gốc Việt Scott Ly dạo quanh cổ phố Hà Nội bằng xích lô, rồi phiêu du dưới mây gió trên dòng sông Hoài của đô thị cổ Hội An, lãng đãng giữa đền tháp Mỹ Sơn, mua sắm ở chợ Bến Thành náo nhiệt... trên phim.

Nhưng không dừng ở đó, Mallorie muốn được tự mình trải nghiệm tất cả một cách chân thực nhất, muốn được nếm các món ăn đường phố bằng vị giác của mình, nghe tiếng còi xe và những âm thanh Việt Nam nhất bằng đôi tai mình, cảm nhận thiên nhiên hùng vỹ Việt Nam bằng tất cả các giác quan... Dĩ nhiên, trên hành trình ấy, cô không độc hành.

Làm sao để khai thác 'mỏ vàng' bối cảnh phim?

Với kinh phí ít hỏi chỉ khoảng 2 triệu USD mỗi năm dành cho xúc tiến quảng bá, ngành du lịch Việt Nam những năm qua đã phải “liệu cơm gắp mắm.” Khi những video giới thiệu về cảnh quan đất nước, con người Việt Nam phát sóng trên những kênh truyền thông uy tín quốc tế “ngốn” khoản tiền không nhỏ mà kết quả khó đong đếm, giờ đây các nhà quản lý đã tìm ra “lối tắt” mà hiệu quả trực quan.

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc thời gian qua các kênh phim lớn của thế giới chọn trình chiếu rất nhiều phim Việt là cách tuyên truyền mạnh mẽ và tốt nhất cho Việt Nam cũng như các điểm đến du lịch. Nhờ tính lan tỏa nhanh chóng, việc kết hợp nghệ thuật thứ bảy với các thương hiệu, điểm đến sẽ giúp ngành du lịch thu hút thêm khách quốc tế, giúp bạn bè thế giới biết đến chúng ta nhiều hơn, từ đó coi Việt Nam là một lựa chọn dừng chân.

Mặc dù tư duy của cấp quản lý đã thức thời hơn, song khi nhìn lại mình, dù sở hữu kho tài sản khổng lồ về bối cảnh phim nhưng điện ảnh Việt vẫn khiến những người trong cuộc trăn trở bởi chưa thực sự khai thác được “mỏ vàng” này. Cảnh đẹp, danh thắng Việt Nam vẫn chưa được quảng bá rộng rãi ra ngoài biên giới quốc gia.

Điện ảnh liệu có giúp “chắp cánh” cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt? - ảnh 3 Du khách quốc tế đến Việt Nam trải nghiệm văn hóa trà Việt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, từ kinh nghiệm thế giới cùng những thành công bước đầu của điện ảnh trong nước, cơ quan này thấy rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự gắn kết thương hiệu điện ảnh Việt Nam với du lịch.

“Chúng ta cần bổ sung về cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Đó là đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, ưu đãi các đoàn làm phim vay vốn với lãi suất thấp, cơ sở vật chất hiện đại, tạo chính sách ưu đãi trong hỗ trợ địa điểm, lưu trú…,” Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Nhằm tránh lãng phí tiềm năng, lãnh đạo ngành cho rằng cần tăng cường quảng bá thu hút các đoàn làm phim quốc tế đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim, đạo diễn tài năng trong nước cho ra đời nhiều hơn những bộ phim hấp dẫn người xem.

Với chủ trương, đường lối và tư duy các cấp quản lý đã cởi mở, “mềm dẻo” hơn cùng hy vọng với sự “cất cánh” của điện ảnh Việt, ngành công nghiệp không khói nước nhà sẽ có thêm “bạn đồng hành” trên chặng đường xúc tiến quảng bá để sớm bứt phá trong thời gian tới./.

Luật Điện ảnh năm 2022 đã bổ sung những điều khoản nhằm tạo điều kiện thu hút các đoàn làm phim trong nước đến khai thác bối cảnh khắp ba miền, từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính xin cấp phép bối cảnh quay đến phê duyệt kịch bản.

Trong các Hội đồng thẩm định về điện ảnh nhiệm kỳ 2023-2025 vừa ra mắt, có một Hội đồng chuyên thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Hội đồng này nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng thêm sức hút với các đoàn phim trong nước và quốc tế.

Mai Mai (Vietnam+)