Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Đi tù như đi... nghỉ dưỡng: Kỳ lạ cách thức mà quốc gia này sử dụng để thức tỉnh đạo đức của những người phạm tội

Chính trị 06/02/2023 - 15:51

Hẳn là khi đến đây, các tù nhân cũng sẽ cảm thấy bản thân có thể sống ‘tốt đời đẹp đạo’ hơn.

Các tù nhân trong thời gian thụ án tại nhà tù Bastoy ở Na Uy thường được tắm nắng trên bãi biển hoặc đi dạo trong rừng thông thay vì ở phòng giam chật chội và bí bách. Không có gì ngạc nhiên khi Bastoy được mệnh danh là nhà tù tốt đẹp nhất thế giới.

Bastoy nằm trên một hòn đảo nhỏ ở Na Uy, có cả một số tù nhân đã phạm tội rất nghiêm trọng và bạo lực. Bastoy là nhà tù có an ninh thấp nhất ở Na Uy, bởi nó mang tính cộng đồng hơn là có bản chất của một nhà tù thông thường.

Các tù nhân sống trong những ngôi nhà chung có phòng ngủ riêng và sẽ dùng chung một số địa điểm khác. Họ có thể mặc quần áo của riêng mình, đến thăm các cửa hàng trong tù, thư viện hoặc nhà thờ.

Trong thời gian rảnh rỗi, họ có thể đi câu cá, chơi bóng đá hoặc tập gym. Có một phòng chiếu phim và và chương trình hàng tuần gồm các khóa học, bài giảng, sự kiện và buổi hòa nhạc. Họ thậm chí còn điều hành dịch vụ phà của hòn đảo.

Đi tù như đi... nghỉ dưỡng: Kỳ lạ cách thức mà quốc gia này sử dụng để thức tỉnh đạo đức của những người phạm tội - ảnh 1

Thay vì chọn cách trừng phạt nghiêm khắc, Na Uy có cách tiếp cận tội phạm rất khác biệt. Không có gì bất ngờ khi các nhà phê bình nói rằng Bastoy giống một trại nghỉ dưỡng hơn là một cơ sở cải huấn. Nhưng chính quyền Na Uy khẳng định cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn này hiệu quả hơn.

Cách thức hoạt động

Ở tại đây, ai cũng đều phải giữ mối quan hệ tôn trọng đối với tù nhân cũng như là với lính canh. Hầu hết các cán bộ quản giáo đều sẽ rời đảo vào buổi đêm. Vì vậy, các tù nhân phải chịu trách nhiệm về chính bản thân mình.

Bastoy là cái mà Na Uy gọi là “nhà tù sinh thái.” Các tù nhân làm việc hàng ngày, chăm sóc ngựa và cừu, giúp điều hành trang trại hoặc chặt cây để lấy nhiên liệu. Họ trải qua các chương trình đào tạo, học các kỹ năng mới để chuẩn bị cho ngày được mãn hạn tù.

Cố vấn cấp cao của Bộ Tư pháp Na Uy là Gerhard Ploeg đã đưa ra lời giải thích về nhà tù này trong một bài viết trên New York Times: “Cuộc sống trong tù cần phải giống với cuộc sống bên ngoài. Ai càng có khả năng tái hoà nhập cộng đồng tốt sẽ càng giảm thiểu nguy cơ tái phạm khi bước chân ra xã hội bên ngoài.”

“Dĩ nhiên, họ vẫn phải vào đây, vì các tù nhân cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trước đây, bây giờ hay sau này đều thế, ai cũng phải sửa sai. Nhưng điều chúng tôi muốn hướng đến là để mọi người sợ mà tránh xa khỏi việc phạm tội chứ không phải sợ hệ thống đang dạy cho họ đi theo con đường đúng đắn.”

Na Uy có tỷ lệ tái phạm thấp nhất ở Scandinavia. Hai năm sau khi được thả, chỉ có 20% tù nhân bị kết án lại. Ngược lại, một nghiên cứu về 29 bang của Mỹ - đất nước có số tù nhân lớn nhất thế giới – cho thấy tỷ lệ tái phạm ở đây cao hơn nhiều.

Hơn 50% tù nhân ở Mỹ sẽ trở lại nhà tù trong vòng ba năm sau khi được thả.

Na Uy cũng có chính sách chăm sóc liên tục, theo đó mọi người ra tù sẽ được tiếp cận các dịch vụ giúp họ có nhà ở, việc làm và chăm sóc sức khỏe. Họ có thể liên hệ với các dịch vụ cộng đồng trước khi được ra ngoài. Ví dụ, tù nhân được phép bắt đầu làm công việc ở bên ngoài 18 tháng trước khi ra tù.

“Bạn được tự do nhưng bạn cũng không hẳn là được tự do,” một tù nhân nói.

Nếu là tội phạm bạo lực thì sao?

Đúng là có một số tù nhân ở trong tù vì tội bạo lực, nhưng họ không bắt đầu bản án của mình ở Bastoy. Các tù nhân phải nộp đơn xin đến nhà tù trên đảo, thể hiện rõ ràng là họ sẵn sàng thay đổi trong thời gian thụ án tại các nhà tù truyền thống hơn.

Không có cái gọi là bản án chung thân ở Na Uy. Bản án tù dài nhất ở đây là 21 năm, hoặc tối đa là 30 năm đối với các tội liên quan đến diệt chủng, tội ác chống lại loài người hoặc các tội ác chiến tranh khác. Bản án trung bình là khoảng 8 tháng. Hơn 60% các bản án tù lên đến 3 tháng, và gần 90% là dưới một năm.

Đi tù như đi... nghỉ dưỡng: Kỳ lạ cách thức mà quốc gia này sử dụng để thức tỉnh đạo đức của những người phạm tội - ảnh 2

Theo các chuyên gia, án tù dài hơn không có tác dụng răn đe mạnh mẽ. Họ cũng cho rằng mối liên hệ giữa hình phạt khắc nghiệt với tỷ lệ tội phạm giảm là không rõ ràng để nhận thấy hiệu quả của phương pháp này.

Sau cùng, có một câu hỏi mà khiến nhiều người thắc mắc chính là: Một nhà tù không có tường rào, cũng không có lính canh có vũ trang thì chẳng phải rất dễ trốn thoát sao?

Trên thực tế, vào năm 2015, một tù nhân đã làm điều đó bằng cách sử dụng ván lướt sóng và mái chèo. Nhưng trường hợp tương tự như vậy cực kỳ hiếm. Bời nếu bị bắt, họ sẽ không bao giờ có cơ hội được quay lại Bastoy thêm một lần nào nữa.

Tham khảo We Forum