Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022

Văn hoá 24/09/2022 - 19:53

Ban Tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15 năm 2022 của báo Thể thao và Văn hóa  (Thông tấn xã Việt Nam) công bố Danh sách đề cử của giải năm nay, bao gồm 10 đề cử.

Từ các đề cử này, Hội đồng giám khảo sẽ chọn trao các giải thưởng chính thức trên 4 hạng mục và công bố tại Lễ trao giải (được tổ chức vào đầu tháng 10/2022 tới tại Hà Nội).
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Hội đồng giám khảo (HĐGK) do nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Chủ tịch, cùng các thành viên gồm: nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Ngô Hà Thái - nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN; GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.
Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 - ảnh 1 Hội đồng giám khảo Giải Bùi Xuân Phái họp phiên thứ 2
Trên cơ sở 41 "ứng viên" của giải năm nay do Ban sơ khảo đưa lên, HĐGK đã tổ chức 2 vòng chấm vào các ngày 30/8/2022 và 13/9/2022 để lựa chọn ra 10 đề cử chính thức trên 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội.
Theo truyền thống của giải, mỗi năm, mặc dù xét trên một danh sách gồm nhiều ứng viên ở hạng mục Giải thưởng Lớn, nhưng HĐGK chỉ công bố duy nhất 1 đề cử ở hạng mục này và sẽ trao giải cho đề cử đó. Do đó kết quả đề cử Giải thưởng Lớn được giữ kín đến Lễ trao giải.
Trải qua 14 mùa giải, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội đã tôn vinh 13 nghệ sĩ, nhà văn hóa tiêu biểu ở hạng mục Giải thưởng Lớn; gần 150 đề cử giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm với gần 50 giải được trao. Bước sang mùa giải thứ 15, cũng là đánh dấu một thập kỷ rưỡi tìm kiếm không ngừng nghỉ những tấm lòng "vì tình yêu Hà Nội", BTC sẽ tổ chức triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh "Hà Nội mát xanh" trong khuôn khổ của Lễ trao giải.
Những bức ảnh xuất sắc nhất về vẻ đẹp của bầu trời, mặt nước, cây xanh Hà Nội, mang theo “tình yêu Hà Nội” sẽ được giới thiệu đến với công chúng và được trao cho các phần thưởng xứng đáng.
Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 - ảnh 2 Logo Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội
DANH SÁCH ĐỀ CỬ
GIẢI BÙI XUÂN PHÁI – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN 15 – 2022
(Xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm, ý tưởng, việc làm)
 I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: Có 01 đề cử, sẽ công bố tại lễ trao giải.
II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: có 3 đề cử.
1. Tập sách ảnh “Hanoi Hanoi” bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Italy của hai tác giả Minh Phạm (người Mỹ gốc Việt) và Paola Boncompagni (Italia):
Cuốn sách được NXB Thế giới phát hành, là tập hợp những góc nhìn độc đáo về Hà Nội được Minh Phạm chụp bằng iPhone năm 2016 và được Paola Boncompagni - nhà báo, nhà sản xuất phim tài liệu người Italy - chọn ảnh dịch và chú thích bằng tiếng Italy.
Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 - ảnh 3 Tập sách ảnh “Hanoi Hanoi” bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Italy
Sách ra đời trên ý niệm về một Hà Nội mới còn nhiều điều khám phá và một Hà Nội cũ, nơi ẩn chứa những hoài niệm về của bố mẹ tác giả. Phần lớn các bức ảnh miêu tả cuộc sống thường nhật của người dân diễn ra hằng ngày trên các con phố Hà Nội.
Dù là vất vả mưu sinh hay nghỉ ngơi vui chơi, giải trí…, tất cả được thể hiện qua các bức ảnh đen trắng chân thực với những lời tựa dí dỏm, hài hước nhưng sâu sắc. Như lời tác giả, anh chọn thể loại ảnh đen trắng với hi vọng “tạo ra một sự thật, một cảm giác, rung động gần gũi để mọi người có thể tưởng tượng ra nhiều thứ”.
Đặc biệt, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sách sẽ được tác giả và các cơ sở trưng bày chuyển trực tiếp cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxinViệt Nam.
2.  Cuốn “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” của Vũ Thế Long:
Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời (NXB Hội Nhà Văn - Chibooks phát hành) của TS khảo cổ học Vũ Thế Long không chỉ là những câu chuyện đời thường về chuyện ăn uống được viết từ trải nghiệm của chính tác giả. Đó còn là dòng hồi tưởng “tương tư về Hà Nội” của một thời đã qua. Từ chuyện ăn uống sang chuyện ứng xử, tác giả dẫn dắt người đọc khám phá “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội bằng lăng kính rất “đời” của một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong thế kỷ 20 đầy biến động.
Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 - ảnh 4 “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời”
Như lời tác giả, ông muốn chia sẻ những tình cảm; muốn nghĩ về Hà Nội, nghĩ về cuộc sống, nghĩ về cuộc đời bằng tất cả cái tâm, cái tình; muốn ghi lại những giai đoạn đã từng sống, từng là kỉ niệm: “Cái ăn, cái uống chỉ là phản xạ để nhớ lại những câu chuyện đã trải qua và ngẫm ngợi. Tôi luôn nghĩ, nếu chúng ta cùng biết chia sẻ nỗi đau của người khác, hay niềm vui của người khác thì cuộc đời có ý nghĩa hơn. Tôi muốn gửi đến độc giả những tâm tư của mình về cuộc sống của chính mình, của thời đại mình và cách nhìn của tôi với những sự việc đã trải qua”.
3. Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” (NXB Thế giới) của Nguyễn Thị Thu Hòa:
Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội ấn hành là kết quả của dự án Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng do nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội chủ trì.
Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 - ảnh 5 Tranh dân gian Kim Hoàng
Hình thành từ nửa sau thế kỷ 18, Kim Hoàng là dòng tranh rất nổi tiếng của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội ngày nay, mỗi dịp Xuân về, tuy nhiên gần như biến mất kể từ lần xuất hiện cuối cùng năm 1947. Và dự án khôi phục dòng tranh này được được triển khai từ năm 2016 với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam cùng các họa sỹ, nhiếp ảnh gia.
Cuốn sách là cái nhìn tổng thể về nguồn gốc dòng tranh dân gian Kim Hoàng, cách in tranh truyền thống, những khó khăn khi bảo tồn và hướng phát triển trong đời sống hiện đại… với hi vọng khơi dậy cảm hứng và ý thức của cộng đồng, khi dòng tranh này đã có những bước trở lại đầu tiên trong thế kỷ 21.
III. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI   
1.  Dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài" được triển khai tại quận Hoàn Kiếm từ tháng 4. Đây là căn biệt thự có diện tích gần 1000 m2, nằm tại vị trí góc ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX và có nhiều giá trị về kiến trúc.   
Nằm trong Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2022 - 2025 giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp), dự án sẽ tiến hành sẽ trùng tu theo đúng các nguyên tắc và phương pháp đang được áp dụng tại Pháp để làm dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án tương tự đối với các công trình thời Pháp khác trên địa bàn Hà Nội.
Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 - ảnh 6 Biệt thự tại số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong dự án "Hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp". Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Sau khi hoàn thành, căn biệt thự sẽ được đưa vào khai thác, với chức năng là trung tâm giao lưu văn hóa Pháp của Hà Nội, nơi những người yêu di sản có thể tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp ở Hà Nội, những ảnh hưởng, giao thoa văn hóa giữa hai nước Pháp - Việt trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, hay nguyên tắc cơ bản trong trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị công trình kiến trúc Pháp cổ.
Đáng nói, đây là một trong số nhiều nỗ lực để bảo tồn di sản biệt thự cũ của thành phố Hà Nội. Điển hình, vào tháng 4, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025", trong đó quy định tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý đều không được tự ý phá dỡ. Cũng trong tháng 4, thành phố đã công bố thông tin về việc tạm dừng triển khai bán các biệt thự cũ (nằm trong tổng số 600 biệt thự cũ được triển khai bán từ năm 2009) để rà soát tổng thể.   
2. "Bốn mươi năm xây dựng, giữ gìn, phát triển Hội thơ làng Chùa" (tức làng Hoàng Dương, thuộc xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội).
Theo hồi ức của các vị bô lão, thì tao đàn thơ làng Chùa đã có trên 100 năm. Đến năm 1954, thì cụ Hàn Thịnh đã là người có công lớn trong việc lập lại tao đàn thơ làng Chùa. Sau một thời gian gián đoạn do điều kiện lịch sử, ngày 20/8/1982, Hội thơ làng Chùa đã tái lập với 40 hội viên, và đến nay nhiều nhà thơ nổi tiếng đã trở thành những công dân, hội viên danh dự Hội thơ làng Chùa.
Hội thơ làng Chùa đã tổ chức 2 cuộc thi thơ toàn quốc với tên gọi Thơ ca & Nguồn cội để kêu gọi các nhà thơ và người yêu thơ viết về nguồn cội của mình. Có hàng ngàn người tham gia trong đó có những nhà thơ tên tuổi. Nhiều nhà thơ nước ngoài đã đến thăm làng Chùa và viết về làng Chùa. Làng cũng đã tổ chức 5 cuộc thi thơ cho thiếu nhi viết về ông bà cha mẹ, thầy cô giáo và làng quê.
Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 - ảnh 7 Khách thơ và người làng Chùa cùng lưu niệm trong dịp lễ 30 năm Hội thơ làng Chùa năm 2012. Ảnh tư liệu
Khác với nhiều câu lạc bộ thơ, hội thơ vốn mọc lên nhan nhản ở khắp nước, Hội thơ làng Chùa không chỉ độc đáo vì có truyền thống lâu đời như kể trên, cũng không chỉ vì đã tổ chức được các cuộc thi thơ hay in ra được một số cuốn thơ chất lượng… Sự khác biệt làm nên giá trị của hội thơ làng chùa ở chỗ, nó là tiếng lòng của những người dân chân chất, yêu cái đẹp và đạo lý hát về chính quê hương của mình.
“Có thể thơ của họ còn vụng về, nôm na, bởi vì họ không phải là những nhà thơ chuyên nghiệp. Họ là những người nông dân chỉ giản dị và thủy chung một điều: thơ ca là một phần đời sống tinh thần của họ….
Trong những câu chuyện của mình người làng Chùa đã kêu gọi những người làm thơ hãy viết về những nơi sinh ra và lớn lên. Với một chủ đề duy nhất là hãy nhớ về làng Chùa, nhớ về nguồn cội, nơi sinh ra và lớn lên, nơi chúng ta ân hưởng, nơi được dạy dỗ, chở che, nơi được dắt đi những bước đầu đời” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là một người dân làng Chùa – bộc bạch.
"Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc"; "Thơ không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng"; "Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người"; "Một chữ có ân thì nở hoa, vạn chữ chỉ có oán thì sinh sâu bọ..."
Đó là những câu thơ của người làng Chùa. Không chỉ làm thơ, người làng Chùa còn có nhiều phương thức “thực hành thơ” để đưa thơ vào trong đời sống, trong đó có việc tổ chức hội thơ như một lễ hội dân gian đáo và tao nhã, thu hút rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia. Ngày 20/8/2022 vừa qua, làng Chùa đã kỷ niệm 40 năm hội thơ của mình. Chính vì yêu thơ và yêu ngôi làng của mình, những người làm thơ ở mảnh đất bên sông đáy, vốn thuộc Hà Tây cũ, đã làm phong phú thêm cho diện mạo văn hóa tinh thần của Hà Nội hôm nay, cả ở khía cạnh truyền thống và hiện đại.   
3. Việc "Trùng tu, tôn tạo, bảo tồn Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao"