Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Chuyện nghề viết

Giáo dục 02/06/2023 - 07:25

Ý tưởng về những con tem Green giả và hình ảnh cái lưỡi xanh của mẹ đã tạo ra ý tưởng truyện cho Stephen King chỉ trong một khoảnh khắc.

Chuyện nghề viết - ảnh 1

Ảnh minh họa: The killing tree/IMDB.

Chúng ta nên làm rõ một chuyện đã nhỉ? Chẳng có Bãi ý tưởng, Trung tâm truyện hay Hòn đảo giấu những cuốn sách bán chạy nào hết; những ý tưởng cho những câu chuyện hay dường như đến từ hư vô, dong buồm tìm tới với bạn từ bầu trời quang đãng: hai ý tưởng không liên quan trước đó tới cùng lúc và cho ra đời một ý tưởng mới dưới ánh Mặt Trời. Việc của bạn không phải là tìm những ý tưởng đó mà là nhận ra khi chúng xuất hiện.

Vào ngày ý tưởng đặc biệt đó - ý tưởng đầu tiên thực sự rất chất đấy - đến với tôi, mẹ đã nhấn mạnh rằng bà cần thêm sáu xấp tem nữa để đổi cái đèn mà bà muốn làm quà Giáng Sinh cho dì Molly, nhưng bà không nghĩ bà sẽ làm kịp.

“Chắc sẽ phải để sang sinh nhật em ấy rồi”, bà nói. “Cái thứ phiền phức này lúc chưa dán vào xấp thì trông nhiều lắm”.

Rồi bà chụm hai con ngươi lại và thè lưỡi ra với tôi. Khi bà làm thế, tôi có thể thấy lưỡi bà có màu xanh lá của S&H. Tôi nghĩ hẳn sẽ hay lắm nếu người ta có thể tạo ra những con tem chết tiệt ấy ngay trong tầng hầm nhà, thế là ngay giây phút đó câu chuyện có tên Những con tem Hạnh Phúc đã ra đời. Ý tưởng về những con tem Green giả và hình ảnh cái lưỡi xanh của mẹ đã tạo ra nó chỉ trong một khoảnh khắc.

Nhân vật chính trong câu chuyện của tôi là một gã khờ xui xẻo điển hình, một anh chàng tên là Roger, đã vào tù hai lần vì làm tiền giả - thêm một lần bị bắt nữa là gã sẽ trở thành thằng thất bại ba lần.

Thay vì tiền, gã bắt đầu làm giả tem Hạnh Phúc... tuy nhiên, gã phát hiện ra thiết kế của loại tem này đơn giản đến nực cười, tới mức hóa ra gã chẳng hề làm giả; gã đang sản xuất một đống hàng thật.

Trong một cảnh hài - chắc là cảnh chất lượng đầu tiên tôi viết được Roger ngồi trong phòng khách với bà mẹ già, hai mẹ con đắm đuối nhìn những catalogue tem Hạnh Phúc, máy in vẫn chạy dưới cầu thang, nhả ra từng chồng những con tem thương mại ấy.

“Trời đất ơi!” Bà mẹ nói. “Theo phần chú thích in nhỏ, người ta có thể dùng tem Hạnh Phúc đổi lấy bất cứ thứ gì. Roger, con chỉ cần bảo họ cái con muốn, họ sẽ tính xem cần đổi bao nhiêu xấp tem để có nó. Thế nên, với chừng sáu hoặc bảy triệu xấp tem, chúng ta có thể đổi một ngôi nhà tem Hạnh Phúc ở ngoại ô!”.

Tuy nhiên, Roger nhận ra dù tem thì hoàn hảo, nhưng keo lại không tốt. Nếu liếm tem rồi dán vào giấy bìa thì ổn, nhưng nếu cho tem vào máy bôi keo thì tem Hạnh Phúc hồng sẽ chuyển màu xanh.

Cuối truyện, Roger ở dưới tầng hầm, đứng trước một tấm gương. Trên bàn, bên cạnh gã là gần chín mươi xấp tem Hạnh Phúc, mỗi xấp đều kín những con tem đã được liếm dính vào tấm giấy. Nhân vật chính của chúng ta có làn môi hồng. Gã lè lưỡi ra; nó còn hồng hơn. Cả răng của gã cũng chuyển màu hồng. Giọng bà mẹ vui vẻ vọng xuống dưới tầng, nói rằng bà vừa gọi điện cho Trung tâm thu đổi tem Hạnh Phúc quốc gia, cô gái ở đó nói họ có thể đổi một tòa nhà đẹp phong cách Tudor ở Weston chỉ với mười một triệu sáu trăm nghìn xấp tem Hạnh Phúc.

"Hay quá, mẹ ơi”, Roger đáp. Gã tự nhìn mình trong gương hồi lâu, môi hồng, mắt vằn đỏ, sau đó chậm chạp trở lại bàn. Sau lưng gã, hàng tỷ con tem Hạnh Phúc bị nhét đầy trong thùng chứa đồ dưới hầm. Nhân vật chính của chúng ta chậm chạp mở một xấp tem chưa dán, rồi bắt đầu liếm từng tấm và dính lên đó. Chỉ mười một triệu, năm trăm và chín mươi nghìn xấp nữa thôi là mẹ có thể có tòa nhà Tudor của bà ấy, hắn nghĩ vậy khi truyện kết thúc.

Có những điểm lỗi trong câu chuyện này (lỗ hổng lớn nhất chắc là Roger không chuyển sang tìm loại keo khác), nhưng nó dễ thương, khá là độc đáo và tôi biết mình đã hoàn thành một tác phẩm khá hay.

Sau một thời gian dài nghiên cứu về thị trường với cuốn Writers Digest nhàu nhĩ, tôi gửi Những con tem Hạnh Phúc tới Alfred Hitchcocks Mystery Magazine (Tạp chí kỳ bí Alfred Hitchcock). Nó đã được trả lại sau ba tuần kèm với một tờ phiếu báo từ chối bản thảo.

Trên tờ này là thông tin bằng mực đỏ không thể lẫn vào đâu được của Alfred Hitchcock và lời chúc may mắn dành cho câu chuyện của tôi. Ở dưới cùng là lời nhắn viết vội không có chữ ký, phản hồi riêng tư duy nhất từ cuốn tạp chí mà tôi đã gửi bài định kỳ trong suốt tám năm.

“Đừng dập ghim bản thảo”, lời nhắn thêm là thế đấy. “Tập giấy rời gài ghim kẹp là phương pháp gửi bản thảo chính xác”.

Một lời khuyên khá lạnh lùng, tôi nghĩ thế, nhưng hiệu quả theo cách riêng của nó. Kể từ đó tôi không bao giờ dập ghim bản thảo nữa.