Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Chất gây nghiện núp bóng thuốc lá điện tử tấn công con em chúng ta: Lẽ nào bất lực?

Sức khoẻ 09/12/2022 - 10:44

Câu chuyện chất kích thích, chất gây nghiện tấn công vào môi trường học đường, giới trẻ... tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động. Lẽ nào chúng ta bất lực?

Chất gây nghiện núp bóng thuốc lá điện tử tấn công con em chúng ta: Lẽ nào bất lực? - ảnh 1

Một nhóm học sinh THPT tụ tập hút chất gây nghiện thuốc lá điện tử trên đường Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM chiều 27-5 - Ảnh: T.T.D.

Như Tuổi Trẻ thông tin, để qua mặt được sự quản lý của các cơ quan chức năng, hiện nay nhiều loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng "núp bóng" dưới muôn hình dạng khác nhau để rao bán cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh.

"Hiện nay thuốc lá điện tử không chứa nicotine thông thường, mà là vỏ bọc ngụy trang của người lớn sử dụng ma túy tổng hợp. Trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ bị ngộ độc do uống hoặc nuốt dung dịch dùng để hút thuốc lá điện tử".

Bác sĩ Trần Đăng Xoay - khoa điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi trung ương

Nhận thấy tác hại của việc này, cả xã hội mong muốn cần mạnh tay với thuốc lá điện tử.

Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vì các sản phẩm này, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Đề nghị này được các chuyên gia và nhiều người đồng tình, cho rằng chúng có thể gây nguy hại đến thế hệ trẻ dài lâu.

Mới nhất, tác hại của thuốc lá điện tử đã khiến 8 bé lớp 3 của Trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải vào viện sau khi thử hút thuốc lá điện tử nhặt được.

Cụ thể, ngày 5-12, một học sinh lớp 3 của trường sau khi nhặt được thuốc lá điện tử ở nhà đã mang đến lớp. Sau giờ ăn bán trú, trong lúc nghỉ giải lao để chuẩn bị nghỉ trưa, một số học sinh cùng lớp tò mò dùng thử, ngậm và xuất hiện dấu hiệu buồn nôn.

Khoảng 12h30 cùng ngày, nhà trường phát hiện tình trạng trên và đưa các em xuống phòng y tế. Sau khi tìm hiểu, một em có hút thử, một số em ngậm và ngửi khói thuốc. Nhà trường thông báo với phụ huynh đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.

Điều đáng nói, thuốc lá điện tử học sinh mang đến trường có hình dạng khá bắt mắt, không giống như những điếu thuốc thông thường nên khó phân biệt.

Cũng liên quan đến vụ việc, mới đây Bệnh viện Nhi trung ương cũng thông tin vừa tiếp nhận một bệnh nhi 5 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật sau khi uống dung dịch dùng để hút thuốc lá điện tử.

Chính vì tác hại đó, các chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ chú ý hơn nữa đến việc chăm sóc trẻ, không cho trẻ tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử.

Không chỉ khuyến cáo, không cho trẻ tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử, hầu hết ý kiến bạn đọc đều mong muốn Nhà nước phải cấm luôn chất độc hại này.

"Phải hành động nhanh. Giờ đi đâu cũng thấy mấy bạn trẻ phì phò vô tội vạ" - bạn đọc Thảo đề nghị.

Phân tích thêm, bạn đọc Truong Kiet viết: "Thuốc lá bình thường có thể nói là một thứ tự nhiên, vậy mà còn gây bao tác hại. Với thuốc lá điện tử toàn là hóa chất pha trộn thì chẳng có lý do gì để cho phép sử dụng cả".

Theo bạn đọc này: "Cần cấm càng sớm càng tốt, ngay cả thuốc lá thông thường cũng cần xem xét cấm pha trộn thêm hóa chất, nhiều loại thuốc lá có vị này mùi kia thì toàn là hóa chất trộn vào".

Vì sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của con em chúng ta đang bị các chất gây nghiện núp bóng thuốc lá điện tử gây hại, bạn đọc Minh nêu ý kiến: "Cấm là tuyệt vời. Nó chẳng khác nào công nhận cho ma túy xâm nhập tự do trong xã hội".

"Thời gian đầu thuốc lá điện tử được quảng cáo mang ý nghĩa tốt giúp cai nghiện thuốc lá, mà giờ thì thấy sợ thật, con nghiện còn nhiều hơn. Loại này làm cho giới trẻ không làm chủ được mình, các cháu nghiện nhiều hơn và nguy hiểm hơn" - bạn đọc Minh viết.

Cho rằng chỉ có cấm và xử phạt thật nặng mới mong không còn các chất kích thích, chất gây nghiện này tấn công vào môi trường học đường, giới trẻ..., bạn đọc tên Linh viết: "Ủng hộ cấm. Sở dĩ chúng được các em học sinh dùng vì dễ mua, dễ dùng. Trong khi đó, người bán còn quảng cáo vì được phép bán nên nó an toàn hơn thuốc lá bình thường. Đây là lý do các em ấy tự tin mua và dẫn đến hậu quả như đã thấy".