Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực tạo dựng thương hiệu bưởi da xanh

Kinh tế 05/12/2022 - 08:11

Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ nên chất lượng và mẫu mã quả bưởi của tỉnh có thể đáp ứng yêu cầu cao như Mỹ, EU…

Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực tạo dựng thương hiệu bưởi da xanh - ảnh 1 Thu hoạch bưởi da xanh tại Hợp tác xã bưởi đã xanh Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt tay tạo dựng thương hiệu bưởi da xanh trên cơ sở hình thành những vùng chuyên canh trồng bưởi theo hướng hữu cơ; nhờ đó, sản phẩm bưởi da xanh của tỉnh đã nhanh chóng vươn xa sang Mỹ và EU.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh hiện có 1.163ha bưởi, sản lượng ước đạt 4.500 tấn/năm; tập trung tại các địa phương chủ yếu là thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Cơ cấu giống tại các vùng sản xuất tập trung chủ yếu là bưởi da xanh.

Xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ - vùng bưởi da xanh chuyên canh đầu tiên và lớn nhất của tỉnh đã có từ nhiều năm qua. Toàn xã hiện có khoảng 200ha diện tích trồng bưởi da xanh.

Những năm trước, do lợi nhuận từ trồng bưởi đem lại rất cao, khoảng 600 triệu đồng/1ha/năm, nên diện tích bưởi trên địa bàn xã Sông Xoài đã tăng lên nhanh chóng. Lợi nhuận cao cũng khiến người trồng bấp chấp sản xuất không theo quy trình, lạm dụng quá nhiều phân, thuốc hóa học. Chính vì vậy, chất lượng bưởi da xanh tại xã Sông Xoài bắt đầu đi xuống, kéo theo giá cả giảm mạnh.

Trước tình trạng trên, thời gian gần đây, người trồng bưởi đã dần hướng đến sản xuất hữu cơ sử dụng các vật tư nông nghiệp vi sinh, hữu cơ để "cứu" lấy vườn cây và chất lượng bưởi da xanh Sông Xoài.

[Bốn vùng trồng bưởi của Bà Rịa-Vũng Tàu được phép xuất khẩu đi Mỹ]

Gia đình anh Hồ Hoàng Kha, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài là một ví dụ. Sau hơn 3 năm chuyển dần 5ha diện tích bưởi của gia đình sang canh tác theo phương pháp hữu cơ anh đã nhận thấy, trồng hữu cơ không chỉ có lợi về sức khỏe, an toàn cho người sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Thay vì sử dụng các sản phẩm hóa học, chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật như trước đây, anh Kha chuyển dần sang sử dụng các loại phân chuồng được ủ hoai mục và các loại thuốc vi sinh. Để tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ.

Sau thời gian chuyển đổi sang phương pháp canh tác mới, năng suất thời gian đầu có giảm. Nhưng đến nay, vườn bưởi đã dần ổn định, cây khỏe mạnh, xanh tốt, ít sâu bệnh.

Hiện sản lượng bình quân mỗi vụ của gia đình anh khoảng 75 tấn/5ha, với giá bán luôn được thương lái thu mua cao hơn các vườn khác khoảng 5.000 đồng/kg và trong tình trạng không có hàng để bán; anh Kha thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Vừa qua, vườn bưởi của gia đình anh Kha cũng là một trong bốn vùng trồng bưởi da xanh của tỉnh đã được cấp mã vùng xuất khẩu đi Mỹ và EU.

Còn tại trang trại bưởi hữu cơ Hoàng Long 1, Hoàng Long 2 và Kim Long của ông Trương Văn Út, ngụ phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ với 50ha. Hiện vườn bưởi đã trồng được 4 năm tuổi, nhưng ngay từ đầu ông Trương Văn Út đã xác định trồng bưởi theo hướng hữu cơ là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng, nên ngay từ đầu khi bắt tay vào trồng bưởi ông đã trồng, chăm sóc hoàn toàn hữu cơ.

Đến nay, toàn bộ diện tích trồng bưởi của gia đình ông đã được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Ngoài ra, 10ha/50ha đã có chứng nhận bưởi hữu cơ. Hiện, vườn bưởi hữu cơ đang trong thời gian phát triển, dưỡng cây.

Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực tạo dựng thương hiệu bưởi da xanh - ảnh 2 Chăm sóc vườn bưởi ở Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ , tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Dự kiến năm sau khi bắt đầu cho thu hoạch, trang trại của gia đình ông sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn/năm. Ông Dương Văn Vững, quản lý trang trại cho biết, việc canh tác theo phương pháp hoàn toàn bằng hữu cơ sinh học để một lần nữa khẳng định thêm về chất lượng của quả, tính bền vững trong phát triển và nhân rộng để hình thành vùng đất chuyên canh tại tỉnh.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật trái bưởi tươi của Việt Nam nhập khẩu sang Mỹ. Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 4 vùng trồng bưởi da xanh đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái bưởi tươi đi thị trường Mỹ, tập trung ở thị xã Phú Mỹ, với tổng diện tích 68ha.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có 1.163ha bưởi, sản lượng ước đạt 4.500 tấn/năm. Diện tích trồng bưởi tập trung tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức, với chủ yếu là bưởi da xanh.

Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ… Do vậy, chất lượng và mẫu mã quả bưởi của tỉnh cải thiện rõ rệt, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU…

Để thúc đẩy việc thực hiện mã số vùng trồng hướng tới xuất khẩu trái bưởi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi tập trung có đủ điều kiện xuất khẩu để mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng. Đồng thời, cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật; giám sát chặt chẽ việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất.

Việc thúc đẩy thiết lập và quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu cho sản phẩm bưởi da xanh trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát triển mở rộng vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

“Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh triển khai chính sách khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ gắn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ,” bà Nguyễn Thị Hoài Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin./.

Hoàng Nhị (TTXVN/Vietnam+)