Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.
Vé tàu
2022
Bắc Nam, Địa phương https://www.vetau247.com

20 năm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: ''Những gì cống hiến cho âm nhạc được trả lại xứng đáng''!

Văn hoá 22/09/2022 - 14:00

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã trải qua quá trình hoạt động với nhiều vinh quang, dấu ấn và thăng trầm. Ngày 20/9 tại Hà Nội, VCPMC đã gặp gỡ báo chí nhân kỷ niệm 20 năm thành lập.

Theo năm tháng, Trung tâm đã từng bước hoàn thiện, đến nay đã trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả (trong lĩnh vực âm nhạc) hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước, cũng như quốc tế.
Vinh quang nhưng cũng lắm gian truân
PGS-TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) cho biết ông thực sự xúc động khi nhìn lại chặng đường VCPMC, với nhiều vinh quang, thắng lợi, nhưng cũng lắm gian truân. “Từ những ngày đầu, văn phòng với không gian nhỏ, mọi thao tác đơn giản, mọi văn bản đều chép bằng tay, nhưng giờ mọi thứ đã khác, có những phát triển không ngờ”.
“Thành tích ngày hôm nay là thần kỳ, chưa từng xuất hiện trong công cuộc đổi mới ở lĩnh vực bản quyền, bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ những lợi ích chính đáng cho người làm sáng tạo. Đây có thể nói là hình ảnh, hình mẫu cho việc quyết liệt bảo vệ những giá trị tinh thần, sáng tạo, âm nhạc… của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
20 năm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: ''Những gì cống hiến cho âm nhạc được trả lại xứng đáng''! - ảnh 1 PGS-TS Bùi Hoài Sơn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BTC
PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) nhận địnhviệc bảo vệ tác quyền là một lĩnh vực vô cùng quan trọng. “Năm 2015, chúng tôi có dịp sang Anh khảo sát về việc bảo quyền tác quyền âm nhạc, khi nước này kỷ niệm 100 năm việc bảo vệ tác quyền âm nhạc ra đời. Nghe những báo cáo của họ mới biết, để có ngành công nghiệp âm nhạc phủ sóng thế giới, họ bảo vệ nhạc sĩ, những người làm việc trong lĩnh vực âm nhạc như thế nào. Doanh thu xuất khẩu trong lĩnh vực văn hóa ở Anh khi đó đã 80 tỷ bảng, âm nhạc đóng vai trò quan trọng, tiềm năng vô cùng lớn” - ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Ông Sơn nói thêm: “Ao ước của chúng tôi là phải xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó hạt nhân là bản quyền tác giả, từ đó chúng ta nuôi dưỡng đam mê, ngọn lửa nhiệt huyết… của nghệ sĩ. Tài năng sáng tạo và tỏa sáng mới giúp cho nền nghệ thuật phát triển, đời sống văn hóa thực sự thành nền tảng tinh thần của xã hội, giúp cho đất nước phát triển từ những gì tinh túy nhất, đó là nghệ thuật”.
Ông Bùi Hoài Sơn bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ có nhiều thêm những trung tâm bảo vệ bản quyền không chỉ lĩnh vực âm nhạc, để từ đó nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề của mình, để họ có thể đầu tư, sáng tạo những tác phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. VCPMC hoạt động 20 năm tuy ngắn nhưng đó là bước đi đúng hướng, đặt những viên gạch đầu tiên trên chặng đường bảo vệ trí tuệ, tài năng, sự sáng tạo…
Ông Đinh Trung Cẩn (Tổng giám đốc VCPMC) bày tỏ: “VCPMC đã có bước đi tiên phong, không chỉ có tầm ảnh hưởng đối với xã hội Việt Nam, mà còn được các nước trong khu vực và thế giới công nhận”.
“Ngày càng có nhiều tác giả, đồng tác giả đăng ký trở thành thành viên của VCPMC, điều đó cho thấy việc ra đời và hoạt động trong suốt 20 năm qua là một hướng đi đúng, đảm bảo sự tự do sáng tạo cũng như quyền lợi của những nhà sáng tạo, trong đó có giới văn học nghệ thuật nói chung, nhạc sĩ nói riêng”.
20 năm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: ''Những gì cống hiến cho âm nhạc được trả lại xứng đáng''! - ảnh 2 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: BTC