Tin mới từng phút từ rất nhiều nguồn.

AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây đông máu: Có cần phải lo lắng?

Sức khoẻ 03/05/2024 - 18:13

Công ty dược phẩm AstraZeneca vừa thừa nhận vaccine COVID-19 của họ có thể gây ra tình trạng đông máu hiếm gặp. Các chuyên gia nói gì về tuyên bố mới này?

Thừa nhận của AstraZeneca

Mới đây, công ty dược phẩm AstraZeneca thừa nhận trước tòa rằng vaccine COVID-19 của họ có thể gây ra tình trạng đông máu hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong.

AstraZeneca đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể, trong đó cáo buộc rằng vaccine của công ty này - được phát triển cùng với Đại học Oxford - có thể dẫn đến tử vong và tổn thương nghiêm trọng.

Có 51 trường hợp mắc huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) có liên quan đến vaccine AstraZeneca được trích dẫn trong vụ kiện tập thể đang diễn ra tại Vương quốc Anh.

Chuyên gia nói gì?

Trước thông tin này, một chuyên gia pháp lý của Đại học Northeastern (Mỹ) cho biết sự thừa nhận này của AstraZeneca không có gì đặc biệt đáng lo ngại vì TTS đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi vụ kiện tụng diễn ra.

AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây đông máu: Có cần phải lo lắng? - ảnh 1

Ảnh minh họa tiêm vaccine COVID-19.

Richard Daynard, giáo sư luật nổi tiếng của Đại học Northeastern (trụ sở chính tại Mỹ), và chủ tịch Viện Vận động Y tế Công cộng, cho biết TTS đã được liệt kê là một tác dụng phụ tiềm ẩn, điều này "làm giảm tác động pháp lý của tuyên bố này".

Daynard giải thích: "Rốt cuộc, số người được vaccine cứu sống ở Anh nhiều hơn là số người bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ này, vì vậy việc AstraZeneca thừa nhận - về những gì vốn đã được liệt kê trước đó - dường như không phải là vấn đề lớn".

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng vaccine của AstraZeneca có thể có tác dụng phụ đe dọa tính mạng. "Một tác dụng phụ rất hiếm gặp được gọi là huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu, liên quan đến các hiện tượng đông máu bất thường và nghiêm trọng liên quan đến số lượng tiểu cầu thấp, đã được báo cáo sau khi tiêm vaccine này", WHO cho biết.

Theo Hội đồng Tổ chức Khoa học Y tế Quốc tế, tác dụng phụ "rất hiếm gặp" là những tác dụng phụ được báo cáo với tỷ lệ dưới 1 trên 10.000 trường hợp.

Thời điểm đó, WHO khẳng định thêm: "Ở các quốc gia đang có sự lây truyền SARS-CoV-2, lợi ích của việc tiêm chủng trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 vượt xa rủi ro".

Nếu bạn từng tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, bạn có nên lo lắng về TTS không? Để giải đáp câu hỏi này, trang báo điện tử chính thức của Đại học Northeastern đã phỏng vấn Mansoor Amiji, giáo sư Khoa Khoa học dược phẩm và Kỹ thuật hóa học của trường.

AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây đông máu: Có cần phải lo lắng? - ảnh 2

Mansoor Amiji, giáo sư Khoa Khoa học dược phẩm và Kỹ thuật hóa học, Đại học Northeastern.

Câu trả lời của giáo sư Amiji đã được chỉnh sửa để trở nên ngắn gọn và rõ ràng hơn.

Hỏi: Mọi người nên biết gì về tình trạng cục đông máu đã trở thành trọng tâm của vụ kiện này?

Giáo sư Mansoor Amiji: Có một vài vấn đề cần thảo luận ở đây. Trước hết, vaccine AstraZeneca là vaccine DNA adenovirus, không sử dụng phân tử mRNA được phân phối qua các hạt nano lipid mà Moderna và Pfizer đã phát triển. Thông qua sự hợp tác với Đại học Oxford, vaccine AstraZeneca lần đầu tiên được phê duyệt tại Vương quốc Anh…

Ở Vương quốc Anh và những nơi khác phổ biến loại vaccine này, chúng tôi đã thấy một số ít người bị giảm tiểu cầu hoặc đông máu do một loại protein gọi là yếu tố tiểu cầu 4 (platelet factor 4). Đây là một tác dụng phụ rất hiếm gặp, nhưng nó đã được nhìn thấy trong một số trường hợp sau khi loại vaccine này được phê duyệt vào năm 2021 và đầu năm 2022.

Tin tức gần đây [về tuyên bố của AstraZeneca] không phải là tin tức mới đối với cộng đồng y tế. Lý do chúng tôi chú ý đến nó là vì AstraZeneca hiện đang nói rằng đây là tác dụng phụ của vaccine của họ. Ban đầu, họ tỏ ra phủ nhận mối liên hệ này, nói rằng sự phát triển của cục máu đông có thể là do các yếu tố khác như bệnh đi kèm của một người, bệnh mạch máu hoặc những yếu tố khác. Không rõ liệu nó có liên quan trực tiếp đến vaccine hay không.

Tuy nhiên, khi bạn thấy rằng phần lớn những người mắc bệnh này đều mắc bệnh này sau khi tiêm chủng - và rõ ràng là chỉ một tỷ lệ rất nhỏ những người được tiêm vaccine này mắc bệnh - mối liên hệ sẽ trở nên rõ ràng hơn nhiều. Bây giờ, họ đang thừa nhận rằng vaccine có thể là nguyên nhân.

Hỏi: Khi vaccine AstraZeneca ban đầu bị nghi ngờ gây ra các trường hợp giảm tiểu cầu, cơ chế nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng. Chúng ta biết gì về việc vaccine có thể gây ra tình trạng này như thế nào?

Giáo sư Mansoor Amiji: Như tôi đã nói trước đây, adenovirus có phân tử DNA bên trong, sau đó được tiêm vào cơ. Nhưng khi vào máu, phân tử DNA này thu hút một loại protein trong máu gọi là yếu tố tiểu cầu 4, và ở một số cá nhân - không phải tất cả, nhưng với một số lượng rất nhỏ - yếu tố tiểu cầu 4 có thể làm tăng phản ứng miễn dịch của chính cơ thể. Thông thường, khi bạn nhìn thấy sự hình thành cục máu đông trong cơ thể, đó là cơ chế mà cơ thể đang cố gắng che chắn thứ gì đó khỏi mọi thứ khác trong cơ thể chúng ta. Nó tạo ra một lớp bọc xung quanh hạt virus và thu hút thêm tiểu cầu, hồng cầu và fibrin, tạo ra cục máu đông và hiện tượng này được gọi là giảm tiểu cầu.

Vương quốc Anh, nơi vụ kiện này đang diễn ra, có tỷ lệ sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca khá cao, nhưng phần lớn người dân ở đó đã tiêm vaccine Pfizer. Vấn đề này không phổ biến ở vaccine mRNA - ít nhất là chúng tôi chưa thấy mức độ hình thành cục máu đông đó ở Mỹ, nơi phần lớn các cá nhân đã được tiêm vaccine mRNA của Moderna hoặc Pfizer.

Nhưng xét về số trường hợp giảm tiểu cầu và liệu đây có thực sự là vấn đề khiến mọi người lo lắng hay không, các nghiên cứu tìm cơ chế đã được tiến hành và chỉ một phần rất nhỏ cá nhân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chúng tôi không thấy bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc mới nào khác liên quan đến các loại vaccine này.